Xuyên Qua Ngàn Năm

Chương 32: Quay về Phủ



Hiện tại, trưởng tử tộc đang yên vị ở xe ngựa phía trước, đi phía sau là xe ngựa của hai cha con ông Ba, họ đang trên đường cùng nhau quay về Phủ. Trên xe, Ngọc Mai trải chiếc nệm làm bằng chiếu lát và bông gòn nên khá là êm ái. Khi nghe Baba nói sẽ lên đường quay về Phủ, Ngọc Mai đã lôi mấy bao bông gòn mà cô cực khổ dùng sào hái được để dành trong kho chứa đồ ra, hy sinh thêm mấy mét vải lụa trắng, nhét hết tất cả bông gòn cô đang có vào may lại, nên nhìn khá giống cái mền bông.

Để trông lịch sự hơn, Ngọc Mai còn lấy luôn hai chiếc chiếu cỏ lác, đang được lót sàn gỗ chỗ Baba uống trà mà tháng trước cô đã bỏ công đi tìm, rồi đem phơi khô sau đó đan thành. Lấy mền bông cho vào giữa hai chiếc chiếu, bắt đầu ngồi cặm cụi khâu từng mũi kim làm thành tấm nệm chiếu gấp. Nhờ vậy mà chuyến đi này hai cha con ngồi thấy vô cùng thoải mái. 

Trên đoạn đường di chuyển Ngọc Mai hú hét yêu cầu ông Ba hãy khen cô đi, khen nhiều nhiều đi, vừa yêu cầu Ngọc Mai vừa cười ha hả rất khoái chí. 

Ông Ba liếc con gái không hiểu có gì mà lại cười như vậy, nhưng ông vẫn vui vẻ hùa theo: “Con bị đười ươi nhập à, mắc gì cười như điên vậy!”

Ngọc Mai lấy quyển sổ trong balo ra, để trước mặt ông Ba vẻ mặt thần bí lên tiếng: “Con biết đọc và viết chữ nơi này rồi, không cần đi học vẫn biết, thấy con tài chưa.” Nói xong nhìn ông Ba mắt long lanh lóng lánh: sao còn chưa khen con?

Ông Ba nghe vậy bỏ cây thuốc đang cầm trên tay xuống, ngạc nhiên ngước nhìn Ngọc Mai: “Nói nghe thử, chỉ cho Baba khâm phục khẩu phục coi.”

Ngọc Mai liếc xéo Baba mình: “Đừng có mà dụ khị con, muốn biết thì phải nói sao cho vừa bụng con nha.”

Ông Ba đưa tay dí ngón trỏ vào trán Ngọc Mai: “Rồi, khi nào rảnh, Baba chỉ cho con cách pha chế độc phòng thân, được chưa!”

Ngọc Mai cười khoái chí: “Ít ra cũng phải vậy mới được.”

Cô vui vẻ nói về sự phát hiện của bản thân, chữ nơi này hoàn toàn là chữ Việt nhưng hai cha con nhìn không ra là vì chữ bị viết ngược. Lúc nhờ Nhất thiện dạy chữ, khi đánh vần Ngọc Mai để ý thấy ông đọc từ phải qua trái, mà chúng ta có thói quen là đọc từ trái qua phải. Cách đánh vần cũng giống như chữ cái Việt Nam, nếu biết cách vẫn đọc và viết được dù nhìn chưa quen sẽ hơi chậm. Ngọc Mai đã nhịn rất lâu hôm nay mới có cơ hội nói cùng với Baba, cái mặt cứ nghển nghển lên ra chiều rất đắc ý. 

Ông Ba gật gù khen: “Con gái Baba thật giống Baba, giỏi ghê!” 

Ngọc Mai: “…”

Baba có thể khen con nhiệt tình hơn một chút được không? Khen gì mà giống như con được hưởng sái vậy, khen không có tâm gì hết. Ngọc Mai đang buồn muốn chết, chỉ muốn kiếm chuyện gì đó để dời đi sự chú ý, tạm quên đi phiền muộn trong lòng, đừng ai hỏi cô là phiền muộn gì vì sẽ làm cô... muộn phiền hơn thôi. 

Nếu đưa cho Baba bắt mạch sẽ gọi là tâm bệnh, nếu lậm nhạc thì gọi là buồn của Mai, hay văn vẻ hơn người ta gọi là tình đơn phương đó. Tình hình rất ư là tình hình! Vì đến nay cô vẫn chưa cưa được “ai đó” miếng nào, thế đấy! 

Ngọc Mai thở dài thườn thượt trong lòng than thở: Buồn quá à! Còn ông Ba đang ngồi kế bên thì cấm cúi “ngâm cứu” cuốn sổ học viết chữ của Ngọc Mai, ông tò mò đánh vần: 

“Tội nghiệp nàng Mai

Cứ loay hoay tìm...

Ngọc Mai đang ngồi chống cằm nhìn xa xăm ngoài cửa sổ, nghe Baba đọc cô giật mình bổ nhào qua giật lại cuốn sổ, hú hét túm chỗ này với chỗ kia, thọc tay đạp chân túi bụi. Ông Ba thì nghiêng qua ngả lại, một tay cản lại Ngọc Mai, một tay thì giơ cuốn sổ lên cao rồi hạ cuốn sổ xuống, vẫn cố đánh vần đọc lên cho bằng hết.

Kiếm một tình yêu

Vì bệnh nói nhiều

Nên…Chả có ai thèm yêu!”

Ngọc Mai hối hận muốn xanh ruột, sao lại quên mất mấy chữ viết đó chứ, cô xấu hổ lấy hai bàn tay bụm mặt giả câm điếc. Ông Ba e hèm liếc Ngọc Mai một cái, cảm thấy con gái của ông sắp bỏ ông tới nơi, tâm trạng thật khó tả, lại liếc nhìn Ngọc Mai thêm cái nữa, muốn mở miệng nói gì đó để xoa dịu bầu không khí ngượng ngùng này, nhưng ông Ba thấy bản thân vẫn nên im lặng thì hơn. 

Dù vậy, trong bụng ông cảm thấy hơi ê ẩm: Nói là ở vậy với mình, chưa được bao lâu đã sợ ế, lừa tình cha già vui lắm sao, con gái lớn rồi thật là không giữ được mà, buồn hết sức! Khép sổ lại ông Ba để kế bên chân Ngọc Mai, cầm cây thuốc của mình lên ngồi săm soi tiếp. Không khí trong xe vô tình trầm lắng hẳn. 

A Đoàn đang ngồi đánh xe ngựa bên ngoài, lâu lâu lại lén lút quay ra sau lưng, hí mắt nhìn qua vành nón lòa xòa, anh ta cảm thấy thật khó hiểu, mới ồn ào náo nhiệt đùng đùng muốn rung rinh xe, giờ đã trở nên im lặng khác thường, cha con nhà này tính tình thật khó đoán.

Khi trưởng tử tộc thông báo quay về Phủ, thì ra mệnh lệnh cho tất cả những người ở khu rừng sồi đang ở vị trí nào thì cứ ở tại vị trí đó, đang làm gì thì cứ làm việc đó, không được rời vị trí. Chỉ có Nhất thiện, A Đoàn và A Cung là theo về, cả khu vực rừng sồi đều giao lại cho hai cha con Võ Ca Trung trông coi.

Để tránh bị chú ý, trưởng tử tộc không nói với ai ở Phủ việc bản thân quay về, mà đi thẳng một mạch vào cung điện gặp Vương, sau khi bẩm báo lại mọi việc thì xin phép muốn có một con thuyền lớn. Theo gợi ý của ông Ba, thuyền được thiết kế từ hai đến ba tầng, vừa làm nơi ở mới của trưởng tử tộc, vừa làm nơi mà cả gia đình Vương có thể đến nghỉ dưỡng, hóng gió, ngắm biển quây quần bên nhau. 

Bề ngoài thì xem như là một chiếc du thuyền, nếu có ai tò mò muốn vào bên trong tham quan, thì mọi thứ thiết kế hay nội thất cũng giống như một ngôi nhà bình thường, thay vì xây dựng trên đất bằng thì bây giờ di chuyển lên thuyền, đều chung mục đích là phục vụ cho cuộc sống, chỉ là vật liệu nhìn đơn giản và nhẹ nhàng hơn. 

Điểm đặc biệt là con thuyền này chỉ thả neo một chỗ mà không di chuyển, phải tìm một nơi có thể thoải mái đậu lại một thời gian dài mà không bị soi mói về chỗ đậu thuyền, càng ít người biết hoặc đến tham quan càng tốt, tầng cuối cùng là nơi bí mật tránh người lai vãng. Vì bên dưới du thuyền, được thiết kế xây theo dạng bè gỗ lớn làm nơi thả ngọc xuống nuôi. 

Vương nghe xong bất chợt nhớ đến gì đó, ngồi nghĩ ngợi một lúc mới lên tiếng: “Con nên dùng chiếc thuyền chiến cũ của ta, vì dù sao chiếc thuyền đậu ở khu vực đó cũng hơn trăm năm nay và đang để không, chỉ cần cải tạo lại thì có thể hội đủ điều kiện của con mà không đánh động đến người nào, muốn tìm khu vực nước biển thích hợp để nuôi ngọc cũng không ảnh hưởng gì, nếu con cho đóng thuyền mới dù có kính tiếng đến đâu cũng sẽ gây chú ý.” 

“Dạ! Con cũng có ý định đó thưa phụ Vương.”

Nghe vậy, Vương ngước mắt nhìn chăm chú đứa con trai của mình, vẻ mặt phức tạp nhưng vẫn không nói tiếng nào, chỉ khoát tay ra hiệu yêu cầu lui. Trước khi Bình An Lộc đi khuất Vương bất chợt lên tiếng: “Mọi thứ trong cuộc sống đều có sự sắp đặt, đúng thời điểm tự nhiên sẽ sáng tỏ, đừng cố tìm hiểu những việc không thuộc phận sự và ngoài khả năng, nhớ đấy!”

Không cần biết con trai có nghe được gì hay không, Vương tiếp tục làm công việc đang dang dở của mình. Bình An Lộc bước chậm lại một nhịp, nhưng cũng không thể hiện bất cứ xao động gì, bước chân vẫn ung dung đi thẳng về phía trước. 

Hai cha con ông Ba được sắp xếp ở lại Trạm đăng ký nhập hộ tịch, vẫn ở hai phòng như cũ, lần này ăn uống nấu nướng có Nhất thiện đi theo lo nên Ngọc Mai cũng đỡ sầu. Buổi tối, khi hai cha con ngồi uống trà tâm sự, Ngọc Mai xúi giục ông Ba: 

“Con thấy chúng ta không thể sống phụ thuộc vào trợ cấp của Vương được, ở trong rừng không xài gì nên không thấy nghèo, hòa nhập với xã hội thì lại thấy nghèo, không phải nghèo bình thường đâu mà là quá nghèo luôn đó Baba. 

Chúng ta nên tự lực cánh sinh đi, buôn bán thêm gì đó để có thêm ngọc thể phòng thân, lúc đó tiếng nói cũng có trọng lượng hơn, làm gì cũng mạnh dạn hơn. Con có hỏi qua chú Nhất thiện về thói quen ăn uống của người dân nơi này, sau khi tìm hiểu con đi đến quyết định làm nước mắm để bán, cách làm thì ba nhỏ có dạy qua nên con vẫn còn nhớ rất kỹ. 

Muốn làm gì thì đầu tiên chúng ta cũng phải có địa điểm, mọi nơi chúng ta đến đều có nhà nhưng ở đây thì chưa có, nhưng nếu xin trợ cấp nữa thì hơi quá đáng rồi, mà nếu mua thì không có khả năng. Nên việc trước mắt con muốn tìm chỗ thuê lại, để làm địa điểm sản xuất và ủ nước mắm.

Hồi chiều đi theo Nhất thiện nấu cơm, con phát hiện cuối dãy khu nhà này, có mấy cái chái xập xệ đang để rơm rạ bỏ hoang, con muốn thuê lại nơi đó làm chỗ để hũ sành ủ cá. Thời gian này Baba ở lại đây cũng lâu, con sẽ tranh thủ ủ, đến năm sau là chúng ta có mẻ nước mắm đầu tiên rồi. Baba thấy thế nào ạ?

Ông Ba xoa xoa đầu theo thói quen, cách của con gái không có gì để phàn nàn, ông nghĩ tới nghĩ lui việc làm nước mắm cũng không cực nhọc lắm, một mình Ngọc Mai và Nhất thiện cũng có thể lo được bèn gật đầu. Nhưng lại có điều kiện kèm theo, là làm gì cũng vừa phải thôi, không được cố sức quá, việc chỗ làm địa điểm thì để ông lo.

Ông Ba đem hết ngọc thể hai cha con đang có đưa cho Ngọc Mai làm vốn, nhìn ngọc thể trên bàn Ngọc Mai không vui nổi, gì mà ít xịu! Bởi vậy mới nói, làm công ăn lương sao bằng tự bản thân làm chủ đây. Trong một gia đình mà muốn mau giàu, thì kiểu gì cũng phải có nhiều nguồn thu, chỉ trong chờ một nguồn thu ít ỏi thì có mà chết đói.

Sáng hôm sau một mình Ngọc Mai dạo chợ Phủ, ông Ba thì bắt đầu bận rộn lo chuẩn bị cấy ngọc với trưởng tử tộc, nên không có thời gian theo Ngọc Mai, mọi việc đều do cô tự làm chủ. Cũng may ông Ba còn nhớ đến mấy cái chái bỏ hoang, tranh thủ mở miệng xin xỏ cho con gái. 

Và tất nhiên là được trưng dụng miễn phí không cần thuê, kể cả hai căn phòng mà cha con ông Ba đang ở lại, cũng được để dành riêng cho hai người khi có dịp đến Phủ. Dù được như ý nguyện ông Ba vẫn cảm thấy trưởng tử tộc thật ki bo, cấp luôn cho ông thêm căn nhà nữa không được à! Vừa được mang tiếng rộng rãi, vừa khiến ông hăng hái hơn với công việc, thật là keo kiệt mà.

Kỳ này Ngọc Mai đi chợ Phủ không còn lết bộ, mà được nâng cấp lên thành ngồi xe ngựa, được A Đoàn hộ tống hẳn hoi. Hôm nay, chủ yếu đi kiếm chỗ mua hũ sành với muối biển. Vào chợ, Ngọc Mai nhớ đường đi nên tìm đến khu vực quầy hàng bán theo đăng ký, tự hỏi thăm rồi đi thẳng đến quầy bán muối. 

Vì là ở ngay biển nên muối khá rẻ, mà Ngọc Mai tìm là loại muối hột để càng lâu năm càng tốt, nên người nào tồn hàng mà gặp cô là mừng húm. Với số tiền ít ỏi của bản thân hiện đang có, Ngọc Mai phải rất cân nhắc, hai hạ thể mua được một yến muối hột, một yến nơi này là mười kg ở hiện đại, Ngọc Mai quyết định chỉ mua hai yến. Vì số tiền quá ít nên người bán không thể đem giao tận nơi, Ngọc Mai rất tự nhiên đưa cho A Đoàn đang kè kè một bên khuân vác. 

Muối thì rẻ nhưng hũ sành lại khá mắc, một cái hũ nhỏ cao hơn đầu gối Ngọc Mai chút xíu mất đến mười hạ thể, cô đoán khoảng ba mươi lít là cùng. Chỉ mua mười cái hũ đã mất đến một trăm hạ thể, Ngọc Mai cay đắng nhận ra là, nếu mua hũ sẽ không đủ tiền mua cá ủ làm nước mắm, hiện trong tay cô chỉ có một trăm năm mươi hạ thể, chưa tính vừa mới xài hết bốn hạ thể. 

Hai cha con cô thật sự là quá nghèo đi, đợt tết vừa rồi lại còn nhờ mua sắm đồ dùng khá nhiều, nội đường để cô làm rượu thôi đã mua hết năm mươi hạ thể, đường ở đây cũng khá mắc. Vì không nghĩ quay về như vầy nên hai cha con không hề biết tiết kiệm, bây giờ đụng gì cũng thấy thiếu. Đã vậy còn bài đặt không thèm nhận trợ cấp nữa chứ, nghĩ lại ngu thấy sợ. 

Ngọc Mai quyết định mua trước năm hũ sành, đợi mua cá xem thế nào rồi tính sau. Trả tiền xong, cô nhờ ông chủ tiệm đem giao đến trạm đăng ký nhập hộ tịch giùm, bản thân thì đi thẳng đến chợ cá xem trước một vòng. Định tìm các loại cá nhỏ như cá cơm chẳng hạn, nhưng ở đây cá bự bằng bàn chân họ còn không thèm ăn, nhỏ như cá cơm chắc chắn là không có. 

Ngọc Mai hỏi xong đường đến khu chợ bán cá, vừa mới xoay người lại chưa kịp bước đi thì bất thình lình va phải một người đang bước vội qua. Ngọc Mai ngước mắt thì nhìn thấy một bóng lưng cao lớn quen thuộc, như bị một đao bổ trúng người, cô cứ thẫn thờ đứng nhìn bóng lưng người đó đang đi xa dần. Khi tỉnh hồn lại Ngọc Mai không còn thấy bóng dáng người đó đâu, mếu máo cô vội vã đuổi theo.

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.