Thái tử lần đầu tiên vào nghỉ ở cung Long Thụy nhưng ngài không thể nào ngủ thêm được nữa. Nằm trên long sàng trong cung điện rộng rãi thênh thang mà hai mắt cứ mở thao láo nhìn lên trần, trằn trọc canh khuya như băn khoăn điều gì. Ngài ngồi dậy nhìn sang Thái tử phi đang yên giấc nồng bên cạnh. Kéo chăn cao lên đắp cho vợ rồi ngài bước xuống giường, buộc hai bên tóc mai ra sau gáy cho gọn và bước ra cửa.
Tiếng mở cửa khẽ két, hai viên Ngự tiền thị vệ thấy Thái tử bất ngờ đi ra, định lên tiếng hành lễ thì Thái tử ra hiệu miễn lễ, rồi nhẹ nhàng đóng cửa lại, rải bước trên hành lang dẫn sang điện Long An trong cơn mưa như trút nước và tiếng sấm chớp ầm ầm ngoài hiên. Sang tới cửa điện thì hai thái giám mở sẵn cửa. Thái tử tiến vào hướng thư phòng, bên trong đã thấy cung nữ rảo bước chạy vào đứa thắp nến, đứa pha trà, đứa vào đứng sẵn phía sau hầu thái tử. Ngồi xuống một lúc, ngài đưa chén trả bằng lam ngọc lên mũi hít khói trà một hơi thật sâu rồi thưởng thức. Bỗng có tiếng mở cửa, viên thái giám đứng cửa bước vào:
- Khải bẩm Điện hạ, Tâm phúc tướng quân Lý Nhân Nghĩa trực phiên quân Ngự tiền, biết Điện hạ dậy sớm nên đến vấn an và cầu kiến.
Thái tử khẽ gật đầu đáp:
- Cho vào.
Lý Nhân Nghĩa nhẹ nhàng bước qua cửa, đến gần bàn ngự nơi Thái tử đang ngồi, cúi đầu vấn an. Vua ban miễn lễ thì Lý tướng quân hỏi luôn:
- Việc quân quốc trọng sự rồi lại việc binh biến bao hôm mệt mỏi, sao điện hạ không nằm nghỉ ngơi thêm, là thánh thể chưa quen điện mới, hay là người có thấy không được khỏe ở chỗ nào để lão thần truyền thái y?
- Cũng vẫn là cái chuyện quân quốc trọng sự đó thôi, ta vẫn chưa để yên tâm ngơi nghỉ.
Lý Nhân Nghĩa hỏi tiếp:
- Là chuyện của Khai Quốc Vương ở phủ Trường Yên làm người bất an chăng?
Thái tử gật đầu nói:
- Khu mật viện đã nhận bồ câu hồi báo, đúng là Trường Yên đang kiểm duyệt binh mã để xuất binh. Mai sau buổi chầu sớm trẫm sẽ họp gấp với Khu mật viện, khởi binh.
Lý Nhân Nghĩa đáp:
- Điện hạ suy nghĩ thật sáng suốt, quân tử phòng thân, tiên hạ thủ vi cường, nếu binh tướng không được chuẩn bị trước thì sẽ mất thế chủ động, khi có biến sẽ trở tay không kịp. Mà binh lực của Thủy sư đô đốc Khai Quốc Vương thực sự tuyệt đối không thể coi thường được. Để quân Trường Yên đến được kinh đô e là dẫu triều đình có giành thượng phong cũng ít nhiều liên lụy tới bá tánh vô tội ở kinh, khó tránh cảnh đầu rơi máu chảy, sinh linh đồ thán.
Thái tử nói:
- Khai Quốc vương đã nhiều năm trấn thủ Trường Yên phủ, huấn luyện thủy quân, lại cũng như ta trải trăm trận phong sương gió cát, ta chưa bao giờ nghi ngờ về năng lực dụng binh, đặc biệt là thủy binh của đệ ấy. Ngặt một nỗi, lại động binh đao. Ta vừa mới lên ngôi đã lại phải chiến đấu với hết anh em này lại đến anh em khác. Huống hồ, mẫu hậu cũng đang lưu ở Trường Yên phủ, giờ thấy cảnh nồi da nấu thịt thì thật là đau xót.
Lý Nhân Nghĩa đáp:
- Nếu Khai Quốc Vương đã nhận được tin của ba vương, trúng kế ly gián, thì dù có mưu phản hay hộ giá, tất cũng sẽ có lý do để khởi binh. Trường Yên đã động binh, binh mã từ đó di chuyển đến Thăng Long nhanh nhất là hơn một ngày, thì việc triều đình sắp xếp binh mã đối phó là việc đương nhiên phải làm. Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương thì đang được thiền sư Huệ Sinh du thuyết, khả năng rất cao là sẽ lãng tử quay đầu. Việc Điện hạ mong muốn Khai Quốc Vương thấy khó mà tự rút lui thì lão thần xin đề cử thêm một thuyết khách, một người có đủ cả uy tín lẫn năng lực, cả đạo đức lẫn bản lãnh, lại sẵn mang dòng máu rồng ở trong người để đến Trường Yên, người này nói tới đây chắc điện hạ đã đoán ra là ai rồi.
Thái tử ngước lên nhìn Nhân Nghĩa đầy cảm kích:
- Ra là tướng quân đã nghĩ thay ta ra phương án đối phó, thật may là trong những lúc dầu sôi thế này ta vẫn còn có Nhân Nghĩa, Phụng Hiểu bên mình, chả trách bao năm Tiên đế tin tưởng hai người đến vậy.
Lý Nhân Nghĩa đáp:
- Bọn hạ thần có làm được gì, tất cả đều là nhờ đức lớn của Điện hạ và con mắt nhìn xa trông rộng của Tiên đế chuẩn bị từ trước, lũ hạ thần chỉ biết cúc cung tận tụy bảo vệ giang sơn Đại Cồ Việt theo những gì đã được dặn dò chứ nào đâu biết nghĩ điều gì xa xôi.
Thái tử thớ dài nói:
- Nói vậy nhưng ta vẫn cảm thấy bất an trong người, ta thấy mọi chuyện có vẻ vẫn chưa dừng lại ở việc của các vương nhưng ta không có lý lẽ chắc chắn về linh cảm của mình.
Lý Nhân Nghĩa đáp:
- Ôi chao. Cái linh cảm đó của Điện hạ là cảm giác chung của các bậc đế vương thôi. Khi đã ngồi lên ngai vàng, ngoài việc tạo phúc cho bá tánh thì việc bảo vệ ngôi báu để có thể tiếp tục thế thiên hành đạo cũng luôn là điều các bậc hoàng đế canh cánh trong lòng, Tiên đế năm xưa cũng vậy. Nhưng ngày nào còn lão thần, còn chư vị quan tướng thì dẫu có phải hi sinh mấy cái mạng già để bảo vệ ngôi vua của Thái tử chúng thần cũng xin cam lòng. Nhất định chúng thần sẽ không để Đại Cồ Việt đi vào vết xe đổ của nhà Ngô hay nhà Đinh, Lê làm triều chính hỗn loạn, sinh linh đồ thán đâu, thưa Điện hạ.
Thái tử mỉm cười nói:
- Có các vị đại thần trung can nghĩa đảm bên cạnh thật là phúc lớn của hoàng gia vậy.
Lúc này, Lý Nhân Nghĩa nói luôn:
- Nếu điện hạ cho phép, thần xin được nói thẳng để chia sẻ nỗi lòng với người.
Thái tử hướng ánh mắt nhìn lên Nhân Nghĩa chăm chú rồi đáp lời:
- Lý tướng quân cứ nói.
Lý Nhân Nghĩa nói:
- Về thế lực thì những người làm Thái tử lo lắng nhất thần nghĩ chính là gia tộc họ Trần. Trần gia giờ có hai vị Thái sư Trần Cảo, Thái phó Trần Văn Tú đều đang ở ngôi tứ trụ, quyền lực rất lớn, lại thêm sự giàu mạnh, quân đông thuyền nhiều, lương thực đầy kho, nếu họ muốn làm phản thì là việc nằm trong năng lực của gia tộc. Có điều họ Trần xưa nay hành sự cẩn mật mà lại đóng góp rất lớn cho triều đình, nên việc Điện hạ không chắc về linh cảm của mình có thể cũng vì lẽ đó.
Thái tử trả lời luôn:
- Lý Nhân Nghĩa ơi là Lý Nhân Nghĩa, ông đúng là đi guốc trong bụng ta, thế lực nhà Trần giờ đây có thể nói là quyền nghiêng thiên hạ, đúng là ta lo lắng băn khoăn về họ rất nhiều. Nếu không may mà họ muốn phản, thì cả đám vây cánh vùng ven biển phía đông nam sẽ cùng đồng thanh phản theo, khác nào như ngọn sóng đ·ại h·ồng t·hủy ập đến kinh thành.
Lý Nhân Nghĩa hỏi tiếp:
- Điện hạ còn nghi ngờ việc làm loạn của ba vương cũng có phần của họ nữa, phải không ạ?
Thái tử khẽ gật đầu:
- Nhưng ta không tìm thấy một chút manh mối nào hết, không bằng không chứng, vẫn chỉ là linh cảm mà thôi. Sau cơn đại biến vừa rồi, chẳng phải hai vị tứ trụ họ Trần cùng quân lực đều không mảy may mất một cọng lông nào sao?
Lý Nhân Nghĩa gợi ý:
- Vậy chi bằng lần này tiến về Trường Yên ta mượn quân của Trần gia làm tiên phong, thứ nhất để xem ý tứ, thứ nhì nếu có biến họ cũng là kẻ hứng chịu đầu tiên. Dù gì quân của Trần gia chẳng ở vùng đệm giữa Thăng Long và Trường Yên, lý do để dùng họ làm tiên phong như vậy là đủ.
Thái tử gật đầu đáp lời:
- Ta cũng định tính như vậy. Ngặt một nỗi nếu cả Trần gia lẫn Trường Yên tạo phản thì chẳng phải là ta đưa đám thuyết khách vào chỗ c·hết chăng ?
Lý Nhân Nghĩa chắp tay dọc dạc nói:
- Được c·hết vì vua là vinh dự của bề tôi. Vả lại thần tin vào khả năng tự bảo trọng của tất cả những nhân vật được dùng làm thuyết khách. Thêm nữa Thái sư và Thái phó đến ngày đó nhất định vẫn lưu ở kinh sư, quân nhà Trần gia chưa chắc đã dám làm ẩu. Theo ý hạ thần, họ Trần nếu có ý đồ tạo phản, tất sẽ chờ quân triều đình cùng quân Trường Yên trai cò đánh nhau xong mới đắc lợi để thu dọn tàn cục, còn phủ Trường Yên chưa chắc đã khuất phục trước Trần gia đâu. Thế nên việc này Điện hạ cứ yên tâm, thần sẽ có sắp xếp ổn thỏa.
- Trần gia theo phò Tiên đế cũng lâu, hai vị Thái sư, Thái phó cũng rất có thực tài, nếu giả sử như họ m·ưu đ·ồ làm phản mà ta có thể trừ đi thì cũng là một tổn thất lớn cho triều đình, liệu ai có thể thay thế hai người họ ở ngôi tứ trụ nhỉ?
Lý Nhân Nghĩa đáp:
- Hai vị đại phu đương triều có thể đảm đương được chức trách đó, thưa Điện hạ. Quan Ngự sử đại phu Lương Nhậm Văn vốn cũng đã làm công việc giá·m s·át các quan lại triều đình, nắm chức Thái sư chắc cũng không đến nỗi quá sức, Điện hạ có thể bổ nhiệm thêm các vị Gián nghị đại phu để giúp sức thì công việc triều chính chắc cũng êm xuôi. Còn chức Thái phó thì thần nghĩ thầy cũ của điện hạ là Quang lộc đại phu Lưu Đàm có thể đảm đương. Huống hồ nhà họ Lưu cũng có công đức trải sáu đời vua, ba triều đại mà vẫn giữ đức trung trinh, vừa có thế lực ở Lưu Xá, Bố Hải Khẩu, lại vừa có uy tín ở kinh thành, thay thế Trần Văn Tú ở ngôi tứ trụ tuyệt nhiên chỉ có hơn chứ không kém, thưa Điện hạ.
Thái tử khẽ gật đầu:
- Tốt lắm, vậy mọi chuyện cứ theo ý của Lý tướng quân với chư tướng vậy. Bàn việc với lão tướng quân thật như là cởi bỏ được những nút thắt trong lòng. Thôi vậy ta về cung Long Thụy nghỉ ngơi, mai hành lễ xong chúng ta sẽ tiếp tục bàn đại sự.
- Vâng, cung tiễn Thái tử điện hạ hồi cung.
Lý Nhân Nghĩa nói rồi phất tay ra hiệu cho đám thuộc hạ vào tháp tùng Hoàng đế về cung đi nghỉ, còn mình cầm kiếm đứng gác hết phiên trực canh khuya.