Khe, động Ung Châu và vùng biên giới An Nam đều có mỏ vàng, châu Vĩnh An thuộc Ung Châu và Giao Chỉ cách nhau một con suối, các loại thủy cầm như ngỗng, vịt bơi sang sông phía Giao Chỉ kiếm ăn trở về để lại phân có vàng…
Giao Chỉ có cái lợi mỏ vàng mới mua dân ta về làm nô.
Lĩnh ngoại đại đáp
Chu Khứ Phi
Học giả nhà Tống
Đường Hòe Nhai
Phía Đông thành Thăng Long
Trưa hôm sau
Sau cuộc biến loạn, hết cơn giông bão, đất trời Thăng Long lại mưa tạnh trời quang. Con đường Hòe Nhai lại sáng bừng với hai hàng cây hòe xanh xanh đậm nhạt chạy dài từ phía đông bắc hoàng thành ra cửa Triều Đông. Đoàn quan binh giáp trụ đầy đủ, cưỡi ngựa đeo gươm, đi đầu là tân Hoàng đế mặc giáp vàng lụa trắng hiên ngang cưỡi trên con Bạch Long thần mã được kế thừa từ Tiên đế đi nước kiệu dọc con phố tiến ra bến thuyền.
Đi ngay sau hoàng đế là Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu và Hữu tâm phúc Đào Văn Lỗi, Thái sư Trần Cảo, Thái phó Trần Văn Tú và Thái bảo Đào Thạc Phụ. Tả tâm phúc Lý Nhân Nghĩa ở lại lãnh chức Giám quốc, cai quản kinh thành, Khu mật sứ cùng gia đình thân vương Lạng châu cũng ở lại bảo vệ hoàng tộc, Thái úy Lý Trưng Hiển thì vẫn đang bị trọng thương, các tướng Điện tiền ngoài Đô thống Đàm Toại Trang lưu thủ kinh đô còn đâu cũng đều đi theo vua cả. Quan tướng, quân binh người ngựa xếp hàng bước đi kín nửa con phố trồng đầy cây hòe hai bên. Hoàng đế vừa đi vừa quay lại hỏi Thái sư đi sát bên trên một con ngựa ô:
- Phủ binh Trần gia ở Bố Hải Khẩu đã chuẩn bị sẵn sàng rồi chứ Thái sư?
Thái sư gìm cương hơi cúi đầu đáp:
- Thần đã lập tức gửi bồ câu điều binh từ hôm qua, ngay sau khi nhận mật chỉ từ Khu mật viện. Bệ hạ an tâm, chắc quân Trần gia đều đã chuẩn bị thuyền bè xong xuôi hết rồi, chỉ chờ đại quân triều đình tới là xuất phát.
Hoàng đế khẽ gật đầu:
- Tốt lắm, quân Trần gia đi tiên phong, lại có thủy binh của Đào gia đi cùng hộ giá thì triều đình cũng an tâm muôn phần.
Đoàn quan binh đi qua cửa thành là đến bến Đông Bộ Đầu thì đã thấy các đại chiến thuyền đã xếp kín dọc theo bờ sông Cái, mở cửa hông bắc sẵn ván lên bờ. Thuyền xếp dài hết hữu ngạn sông Cái với cả trăm chiếc, kín mười hai bến kinh thành. Đã ban lệnh duyệt binh từ hôm qua, nên hôm nay dọc phía đông kinh thành tuyệt nhiên không có bóng thuyền và dân thường hội họp, cả bãi sông phía đông chỉ toàn chiến hạm của triều đình và binh lính. Ngoài bãi thì binh tướng đứng thành từng hàng hàng từng tốp, vệ nào ra vệ nấy tề chỉnh kín cả dọc bờ phía đông.
Thẳng hướng cổng thành ra bến thì chừa lối đi rộng để nhà vua cùng các quan tướng đi ra nơi đậu của chiếc Soái kỳ Long thuyền đã neo sẵn. Soái kỳ Long thuyền là con thuyền chỉ huy rất lớn được đóng để dành riêng cho hoàng đế, thuyền có đến bốn mươi tám tay chèo, đầu thuyền khắc Ma kiệt thần long vươn cao uy vũ. Con thuyền phải chở được cả mấy trăm người. Ngoài những quân chèo, quân lái thì trên thuyền hầu hết là quan tướng và Cấm vệ quân. Chiếc đại chiến hạm này chỉ xuất hiện khi Hòang đế thân chinh giá lâm, trên có các khoang lớn rộng rãi, kín đáo để vua cũng các tướng bí mật họp bàn điều binh khiển tướng.
Đi đến cầu ván bắc lên thuyền, vua quay ngựa, giơ tay ra hiệu cho đám quan tướng dừng lại. Rồi vua cũng kéo cương quay đầu, nhìn quanh quân sĩ một hồi rồi hô to ban lệnh:
- Duyệt binh làm việc nghĩa, kẻ nào c·ướp b·óc của cải của dân, chém!
Tiếng lệnh vua vừa ban, những viên tướng đứng đầu từng vệ quân cũng hô theo, rồi tất cả binh sĩ đồng thanh:
- Kẻ nào c·ướp b·óc của dân, chém!
Tiếng hô vang động một góc kinh thành. Vua khẽ gật đầu rồi quay lại dẫn đầu các tướng theo ván gỗ cưỡi ngựa bước trên ván lên thuyền. Bên dưới bãi, đám quân cũng rục rịch xếp thàng ngay ngắn nối nhau đi lên những chiếc thuyền còn lại. Soái kỳ Long thuyền nhổ neo đổi hướng rời bến trước tiên, rồi các thuyền khác bắt đầu chầm chậm lên rời bến lên buồm, đoàn thuyền xuôi dòng Nhị Hà thẳng tiến.
Cách đó không xa, trên đường Hòe Nhai có một ngôi chùa gọi là Hồng Phúc Tự. Ngôi chùa được dựng lên từ thời Tiên đế mới dời đô về Thăng Long để nguyện cầu quốc thái dân an. Chùa dựng lên với núi Nùng như vạt áo, sông Nhị như dải lưng, dòng sông Tô vòng lại, được xây nhìn về hướng tây phương cực lạc. Trước sân chùa này có một ngọn tháp cao bảy tầng. Trên tầng thứ bảy mặt sau nhìn ra phía đông của tháp có một người đàn ông bế một đứa trẻ con tầm năm sáu tuổi, cả hai đều ăn mặc theo lối miền ngược, hướng tầm mắt dõi theo đoàn quân triều đình.
Hai người một lớn một nhỏ cũng mặc áo nhuộm chàm nhưng có chút khác biệt với trang phục của nhà họ Thân, trên vạt áo giao lĩnh vạt trái đều có thêu thổ cẩm, vạt áo ngắn thắt dây lưng và đội một chiếc mũ vải chụp như chiếc nồi úp xuống đầu. Người đàn ông còn khoác một chiếc áo choàng với kiềng vàng đeo cổ, vòng vàng nhẫn vàng đầy tay. Đứa trẻ trên tay, chân, cổ cũng đeo vòng vàng lắc vàng óng ánh. Người đàn ông chạc độ hơn ba mươi gần bốn mươi tuổi, tóc nuôi dài rủ xuống tận ngực, râu ria cắt tỉa cẩn thận. Ấn tượng nhất trên khuôn mặt gã là đôi mắt sếch và đôi chân mày dài, gã chỉ tay về phía đoàn thuyền đang từ từ rời bến rồi nói với đứa trẻ:
- Trí Cao, Trí Cao, kia là thuyền đấy, là bến đấy, to không, đẹp không? Con phải nhớ cho ta. Họ Nùng ta sau này nhất định phải có nhiều thuyền lớn, có bến lớn, cảng lớn. Có như vậy mới không phải phụ thuộc vào ai, không phải trông ngóng ai, một mình làm chủ một phương. Có như vậy chúng ta mới dùng vàng của mình mà đổi được mọi thứ, mọi thứ.
Đứa trẻ có đôi mắt sáng quắc rất tinh anh, nó nhìn theo hướng những chiếc chiến thuyền một hồi rồi quay lại nhìn cha nó, vừa lia lịa gật đầu đáp lời líu lo:
- Pố, Trí Cao nhớ rồi, chúng ta phải có thuyền lớn, có bến lớn, có cảng lớn. Con sẽ tặng pố một cái cảng thật lớn, thật lớn, có thật nhiều thuyền, nhiều bến để họ Nùng ta dùng vàng đổi mọi thứ. Con sẽ còn có nhiều quân hầu người hạ, quân lính như những người dưới bãi kia để hầu pố, hầu mẹ.
Người đàn ông vừa cười lớn, vừa dùng tay vỗ nhẹ nhẹ vào mông đứa trẻ rồi nói:
- Trí Cao ngoan, Trí Cao giỏi lắm, không hổ danh là con trai của man chủ Nùng Tồn Phúc ta, haha. Sau này nhất định làm nên việc lớn. Thôi chúng ta đi về thôi, hết việc ở đây rồi, về thôi.
Người đàn ông tên Nùng Tồn Phúc đó nói xong, đoạn nhìn ra đoàn thuyền thêm vài khắc rồi hai bố con bồng bế nhau cùng xuống tháp, rời khỏi chùa Hồng Phúc.