Thời Đại Nghiệp (605-617) có người Hồ ở Ba Tư chăn lạc đà, đột nhiên có người sư tử biết nói bảo rằng: “Phía tây núi này có ba cái hang. Trong hang lớn có binh khí, ngươi có thể lấy. Trong hang cũng có hòn đá đen chữ trắng, đọc rồi sẽ dễ lập ngôi vương.”
Người Hồ nghe theo lời ấy, quả thấy trong hang có hòn đá và gươm giáo rất nhiều,
trên có viết chữ dạy cách phản nghịch. Vì thế tụ họp dân vong mệnh, vượt sông Hằng Hạt, c·ướp đoạt khách buôn. Bộ chúng đông dần, bèn cát cứ cõi tây Ba Tư, tự lập làm vương. Ba Tư, Phất Lâm cùng khiển binh đánh dẹp, nhưng đều b·ị đ·ánh bại.
Cựu Đường thư
Bến Rừng
Trang An Biên
Trấn Hải Tần Phòng Thủ
Lộ Hồng
Xứ Đông
Duyên hải phía đông Đại Cồ Việt
Hải ấp An Biên, hay còn được gọi là trấn Hải Tần Phòng Thủ, tương truyền được nữ tướng Lê Chân khai phá và kiến thiết nên từ thời Hai Bà Trưng Nữ Vương để chiêu mộ nghĩa quân chống lại nhà Đông Hán. An Biên có ví trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với nước Nam đã từ bao đời do án ngữ ngay cửa biển Bạch Đằng, cửa ngõ chính yếu phía đông để đi từ biển vào tới Thăng Long. Sông Bạch Đằng, ranh giới tự nhiên giữa lộ Hồng và lộ Hải Đông, chính là lối giao thông đường thủy tốt nhất để đi đến Thăng Long, đặc biệt là từ phía Nam Trung Hoa. Chẳng thế mà từ thời nền tự chủ thai nghén đến nay, nơi đây đã chứng kiến đến hai cuộc đại thủy chiến lẫy lừng của người Việt chống lại sự xâm lược của người phương Bắc, đó là trận đại thủy chiến của Ngô Vương Quyền chống nhà Nam Hán và sau đó là của Đại Hành Hoàng đế chống lại nhà Tống, với những bãi cọc huyền thoại.
Vùng đất này nay vốn nằm dưới sự cai quản của gia tộc họ Đào, cự tộc thuyền bè của vùng sông nước phía đông Đại Cồ Việt. Người họ Đào đức cao vọng trọng nhất thì lẽ dĩ nhiên là Thái sư á vương Đào Cam Mộc. Năm xưa, thời còn dưới trướng vua Lê, Thái sư khi đó đã có dịp thể hiện khả năng hiểu biết về thuyền bè và con nước khi ông đã giúp cả đoàn thuyền của vua Lê vượt cạn khi vua đi tuần du sông Mã, từ đó rất được triều đình tín nhiệm và sau thăng lần lên chức Chi hậu nhà Lê.
Sau này đến thời nhà Lý, do có công đầu trong việc thu xếp cho nhà Lý thay ngôi nhà Lê nên được xếp vào hạng nhất đại công thần, được phong tước Nghĩa Tín Hầu chức Thái sư á vương, cai quản cả vùng duyên hải rộng lớn phía đông Đại Cồ Việt. Và vùng đất An Biên đặc biệt quan trọng này hiện đang nằm dưới sự lãnh đạo hai con trai của thái sư là Đào Lôi và Đào Điện.
Những con thuyền của nhà họ Đào từ Thăng Long lần lượt cập vào bến Rừng trên dòng sông Bạch Đằng, đoàn người bắc ván nối nhau lên bờ vào An Biên. Đào Thạc Phụ đi đầu, không nói không rằng, vẻ mặt lạnh tanh rảo bước đi thẳng về tướng phủ, An Quốc công chúa đi ngay đằng sau giữ một ánh mắt ái ngại, Đào Lôi và Đào Điện cũng cùng nhau lánh đi nơi khác.
Vào tới tướng phủ, Đào Thạc Phụ vẫn không nói một lời, mở cửa thư phòng đi vào bên trong, lấy một chiếc túi rất lớn mang đến bên giá sách, đoạn lấy từng cuốn từng cuốn sách trên giá bỏ vào túi. An Quốc công chúa đứng ở cửa thư phòng vẫy tay cho đám tùy tùng lui xuống hết rồi nhẹ bước vào thư phòng, đóng cửa lại, khẽ hỏi :
- Đào thái bảo giận ta không biết giữ mọi việc kín đáo để liên lụy tới tiền đồ của Thái bảo chăng mà sao suốt cả dọc đường về An Biên không nói với ta một câu nào?
Đào Thạc Phụ không phải suy nghĩ thêm một khắc nào mà trả lời luôn:
- Không. Việc ta muốn làm ta mới làm, việc ta dám làm thì ta dám chịu hậu quả, chẳng nhẽ đường đường một trang nam tử như ta lại đi đổ lỗi những thất bại của mình cho đàn bà. Mà ta từ nay không còn là Thái bảo nũa rồi, xin công chúa đổi cách xưng hô.
Công chúa đáp:
- Được. Từ nay ta sẽ gọi chàng đơn giản là Thạc Phụ. Thạc Phụ của ta.
Đào Thạc Phụ vừa nói vừa với lấy những cuốn sách trên giá, không hề quay mặt lại:
- Của ta? Giờ ta đâu còn xứng với công chúa nữa, giờ ta làm gì còn tư cách xin ai tác thành cho chúng ta nữa, ta đang dọn dẹp đồ đạc trong tướng phủ về tư gia đây. Chẳng thà...
Công chúa Thiềm Hoa không để cho Đào Thạc Phụ nói hết câu đã nói chen vào luôn:
- Không, chẳng thà cái gì mà chẳng thà. Thứ ta cần là Thạc Phụ. Một Thạc Phụ vừa bản lãnh vừa trọng tình trọng nghĩa, sẵn sàng trả giá, hy sinh cho những người chàng yêu thương, những điều chàng cho là đúng đắn, chứ ta cần gì cái chức Thái bảo của chàng đâu. Mà ta cũng chẳng cần ai phải tác thành cho chúng ta. Ta vẫn sẽ giữ Thạc Phụ ở bên mình, mặc cho ai nói gì đi nữa.
Thạc Phụ thở dài lắc đầu đáp:
- Có cần thiết phải như thế không công chúa. Với thân phận của nàng thì muốn tái giá tất có cả trăm cả ngàn người xếp hàng chờ được nàng để mắt tới, đâu cần phải khổ như vậy chứ?
Công chúa đáp:
- Cần thiết. Với ta thì cần thiết bởi lẽ Thạc Phụ của ta chỉ có một mà thôi, dẫu có trăm ngàn vạn người cũng không sao thay thế được. Huống hồ...
Công chúa ngừng lại một lúc rồi nói tiếp :
- Huống hồ ta còn đang trong mình giọt máu của hai ta.
Lúc này Đào Thạc Phụ bất giác giật mình, cái túi đựng sách tuột khỏi tay rơi luôn xuống, bao nhiêu sách rơi hết ra ngoài. Ngài mở to mắt kinh ngạc quay ngay ra nhìn thẳng vào mắt công chúa và chỉ buông được hai tiếng :
- Thật sao?
Công chúa khẽ gật đầu:
- Đúng vậy. Nhưng là ta muốn đợi mọi việc quốc gia đại sự xử lý xong xuôi mới báo cho chàng vì sợ chàng sẽ phân tâm.
Nàng vừa nói, hai dòng lệ bỗng lăn dài trên đôi má đào. Đào Thạc Phụ rảo bước ngay tới trước mặt công chúa, ôm lấy nàng vào lòng đáp :
- Ta, ta thật vô tâm. Ta, ta. Ta không biết phải nói gì bây giờ nữa.
- Chàng không phải nói gì cả, ta cũng hiểu tâm trạng của chàng, chàng không phải nói gì cả.
Công chúa gục đầu vào ngực Đào Thạc Phụ, hai hàng lệ tuông trào từ khóe mắt của nàng.
Gục đầu vào vòng tay người đàn ông của mình một lát, công chúa buông Thạc Phụ ra, đưa hai tay lên lau hai hàng lệ rồi khẽ nói :
- Chàng phải nhớ rằng từ nay, dù có đi đâu làm gì thì cũng phải tự bảo trọng vì ta vì con.
- Được, ta nhớ rồi. Thạc Phụ trả lời.
Công chúa nói tiếp:
- Mà ta thấy rằng, người quá trọng tình cảm như chàng cũng không hợp việc triều chính bằng Xử Trung đâu. Chàng không làm cái chức Thái bảo nữa có khi cũng không hẳn là việc không tốt. Dẫu sao chàng vẫn là bậc trưởng thượng của Đào tộc, nhà họ Đào vẫn một lòng kính trọng chàng, ta tin là như vậy. Vả lại, người có tài đảm lược, có kiến thức sâu rộng như Thạc Phụ thì sớm muộn Khu mật viện cũng sẽ đến tìm thôi.
Ánh mắt của Đào Thạc Phụ chợt nhướn lên chút xíu nhưng có vẻ cũng không thoát khỏi sự tinh ý của An Quốc công chúa. Nàng chợt mỉm cười rồi nói :
- Thôi thôi, có khi Khu mật viện đã tìm chàng từ sớm rồi, chắc lại sắp có một giang hồ hào kiệt hay một thương gia Đào Thạc Phụ gì đó đây. Chuyện này chắc là chuyện trọng mật của quốc gia, thôi ta không tiện hỏi kỹ nữa để chàng đỡ khó xử. Chắc ta phải sớm làm quen với việc người đàn ông của mình thi thoảng sẽ lại đột ngột biến mất nữa đây. Thôi được rồi, chàng làm gì thì làm, miễn là đừng mở thêm phòng nhì, phòng ba nữa nhé, ta và con không sẵn sàng chia sẻ chàng cho bất cứ người nào đâu.
Đào Thạc Phụ đưa tay kéo công chúa lại phía mình rồi ôm nàng vào lòng, cười lớn :
- Haha, phòng nhì phòng ba, haha, gan ta không sợ trời không sợ đất nhưng cũng chả dám làm cái chuyện đó đâu, haha.
Bỗng có tiếng của đám gia nô bên ngoài nói vào :
- Bẩm Thạc Phụ đại nhân, Đào Thái bảo đã từ Vân Đồn đã về tới An Biên, đang chờ ngài ngoài đại sảnh đường.
Đào Thạc Phụ nói vọng ra:
- Được, ta sẽ ra ngay.
Đoạn quay lại nhẹ nhàng ghé vào tai công chúa :
- Thôi đi thuyền cả ngày rồi, hai mẹ con vào nội phủ nghỉ ngơi. Ta có việc cần bàn giao cho quan Thái bảo mới.
Nói rồi ngài đặt lên trán công chúa một nụ hôn, công chúa cũng mỉm cười rời vào nội phủ.