Lộ Quốc Oai tên tục còn được gọi là xứ Đoài. Theo phương vị Tiên thiên Bát quái của Kinh Dịch, Đoài tượng trưng cho mặt hồ, cho phương Tây nên xứ Đoài có nghĩa là xứ bên phía Tây vậy. Xứ Đoài, cùng xứ Đông, xứ Sơn Nam và xứ Kinh Bắc là bốn vùng đất phên dậu bao bọc kinh đô Thăng Long và được gọi là Thăng Long tứ trấn. Chính giữa Nam Bắc Đông Tây là chính giữa của bốn xứ này đây. Xứ Đoài có nơi hợp lưu của ba con sông lớn bậc nhất của Đại Cồ Việt là sông Đà, sông Lô và sông Cái, ở cái nơi được gọi là ngã ba Bạch Hạc. Hai con đường đi từ Đại Lý vào Đại Cồ Việt cũng đều dẫn đến ngã ba Bạch Hạc này. Vừa là nơi thượng nguồn giao thông nội thủy, vừa là nơi yếu huyệt quan hà nên vị thế của xứ Đoài đặc biệt quan trọng.
Đất này, trước khi được coi là xứ Đoài, tức là trước khi kinh đô được dời về Thăng Long là tổng địa phận ba xứ là xứ Phong Châu, Đường Lâm và Tam Đái, đều là những thành trì rất quan trọng mà trong thời đại cát cứ mười hai sứ quân, thuộc quyền cai quản của lần lượt các sứ quân Kiều Công Tiễn, Ngô Nhật Khánh và Nguyễn Khoan. Khi nhà Đinh phất cờ khởi nghĩa, Đinh Tiên Hoàng Đế cùng với Định Quốc Công Nguyễn Bặc lần lượt bình định được ba xứ và nhà vua giao lại cho nhà họ Nguyễn cai quản. Đến thời Đại Hành Hoàng Đế, vì Nguyễn Bặc tận trung với nhà Đinh, cùng Đinh Điền, Phạm Hạp ra mặt chống đối lại ngôi vua nhưng thất bại nên dòng họ Nguyễn cũng theo sự kiện đó mà suy vi, đất các xứ lại được giao cho các con của vua Lê là Long Tương và Long Đinh trấn thủ.
Con trai Định Quốc Công là Nguyễn Đê phải lăn lộn bôn tẩu khắp nơi để lánh nạn. Duyên lành Nguyễn Đê gặp được các thiền sư phải Diệt Hỉ nên được chở che, dung nạp, rồi được học tập và rèn luyện cùng với Tiên đế, sau thành đôi bạn thân và khi Tiên đế lên ngôi, Nguyễn Đê trở thành khai quốc công thần, quyền cao chức trọng. Sau ngày Kinh đô mới được dời về Thăng Long, cả ba xứ hợp lại thành xứ Đoài phương Tây. Tam Đái và Đường Lâm giao lại cho họ Nguyễn lĩnh ấn, chỉ để lại vùng đất tổ Phong Châu cho con cháu là họ Lê. Nhà họ Nguyễn cũng chọn Nguyễn Gia Loan của vùng Tam Đái, từng được coi là tiểu triều đình trong thời loạn sứ quân để làm phủ đệ.
Vùng Tam Đái, một bên vịn núi Một Tai, một bên vịn núi Biện, vùng đất bằng ở giữa lại được bao bọc bởi ba con sông trù phú ở ngã ba Bạch Hạc tạo nên địa thế vịn tay ngai của một vùng đất đã hàng ngàn năm chở che, nuôi dưỡng con dân nước Việt. Vùng này đắc địa núi sông, là đầu nguồn của cả mấy con sông lớn trong lãnh thổ Đại Cồ Việt. Thời loạn mười hai sứ quân, Quảng Trí Quân Nguyễn Khoan, Nguyễn Thái Bình, một sứ quân gốc Bắc tài cao, đức lớn lại bác ái, khoan hòa đã cai quản vùng Tam Đái, khuyến khích nghề nông, canh tân tập tục và đã gây dựng lên cả một vùng đất phì nhiêu, màu mỡ, nhân dân thuần hậu, ấm no được người đời gọi là Tiểu triều đình của Đại Cồ Việt. Giữa những khu đất bằng tựa núi nhìn sông, nổi lên một gồ đất, dáng đất như voi quỳ, sứ quân xây thành, lập ấp và đặt cho nó có cái tên Nguyễn Gia Loan. Sau bao lần trôi nổi đổi chủ qua các triều đại giờ lại trở về dưới tay dòng họ Nguyễn của Định Quốc Công Nguyễn Bặc.
Dòng họ Nguyễn kể ra từ sau khi nhà Lý lên ngôi phát triển rất thịnh. Nguyễn Đê phò vua đăng cơ nên được phong hầu, con cháu nhà họ Nguyễn có được ân đức hoàng gia nên cũng rất hiển đạt, nhân tài nhiều vô kể cả dòng chánh và dòng thứ. Nổi bật nhất, trưởng dòng chính, con trai Nguyễn Đê là Nguyễn Quang Lợi cũng mới được ban một ghế trong tứ trụ. Trưởng dòng thứ là Nguyễn Khánh cũng được thăng lên làm tướng Điện tiền. Ngoài ra còn vài vị Thượng thư Viên ngoại lang đặc biệt được tin cẩn, nhiều lần đi sứ phương Bắc, những chức quan nhỏ cũng nhiều đếm không xuể. Hôm nay, toàn thể nam nhân của dòng họ, nếu không bận việc quan, sẽ có một buổi yến tiệc để dâng hương báo công với tổ tiên và ăn mừng cho sự thăng tiến của con cháu dòng họ.
Nguyễn Khánh đứng trước chiếc gương đồng trong căn phòng riêng của mình, nhẹ nhàng búi tóc mình lên, bôi sáp thơm cho vào nếp rồi từ tốn vấn chiếc khăn quanh đầu. Nhìn vào gương hắn phủi phủi bộ ria mép được tỉa gọn gàng trên khuôn miệng phảng phất nụ cười thỏa mãn. Khánh đang trong một giai đoạn tương đối đắc ý khi mà địa vị của cả gia tộc lẫn của bản thân đều ngày một vững chắc. Liên tục lập công, giờ trong huyết quản của Khánh ngập tràn sự tự tin. Đã lên đến chức phó chỉ huy sứ, lại đang lĩnh mệnh Khâm sai, chẳng mấy nữa là Khánh có thể theo bước ông anh họ Nguyễn Quang Lợi mà vào tứ trụ. Tất nhiên, đó là đi theo con đường bình thường của giới quan viên, nhưng Khánh khác, Khánh có một kế hoạch cho riêng mình, một kế hoạch để có thể đi con đường ngắn hơn tới tột đỉnh quyền lực.
Khoác lên mình chiếc áo the lễ phục, vung tay với lấy thanh Thượng Phương Bảo Kiếm được đặt trang trọng trên chiếc giá sơn son th·iếp vàng, buộc vào hông. Tay phải đặt lên đốc kiếm, Khánh ung dung bước ra khỏi cửa phòng, bước từng bước trên hành lang lát đá dẫn thẳng tới Đại sảnh đường của Nguyễn Gia Loan. Vừa đi, Khánh vừa ngước đầu nhìn lên tường thành bao quanh có những lá cờ với chiếc đầu hổ được vẽ bằng những nét phác màu đen đang bay phần phật bên cạnh những lá cờ ngũ sắc thêu chữ Nguyễn trên nền trắng. Định Quốc Công Nguyễn Bặc thời trẻ đã rất nổi tiếng về nghiệp võ với giai thoại chuyên bắt hổ bằng tay không về bán cho các hào phú nên họ Nguyễn sau này dùng hình ảnh con hổ làm biểu tượng của Nguyễn Gia. Khánh lại mỉm cười lắc đầu và đi tiếp. Khánh nghĩ, hổ sắp ko còn là hiệu tượng thích hợp với gia tộc mình nữa rồi. Phải là rồng, là rồng thì mới đúng và Khánh đã bắt đầu những bước đi để hiện thực hóa tham vọng của mình.
Chẳng mấy chốc những bước chân đã đưa Khánh qua những hành lang lát đá đến cây cầu đá bắc qua một hồ nước nhân tạo dẫn đến cổng Đại sảnh đường. Khánh bước lên đầu cầu bên này thì bên kia đám gia nhân đã dần hé mở cánh cổng lớn ra. Sau cánh cổng là sân lát đá trước Đại sảnh. Từ sân đá nhìn vào thấy bên trong sảnh đèn đuốc cũng đã sáng rực, chắc người nhà họ Nguyễn đã tụ họp đông đủ. Nhưng Khánh không vội, hắn khoan thai nhẹ bước qua sân để đi vào. Hắn cũng không nghĩ là phải vội, vì hôm nay hắn mang trên mình trọng trách của Khâm sai Đại thần, nếu hắn đến muộn thì ngay cả trưởng họ là ngài Thái úy Nguyễn Quang Lợi cũng chẳng dám ý kiến, ai dám ý kiến về giờ giấc với kẻ cầm Thượng Phương Kiếm và lĩnh mệnh Khâm sai. Vậy nên, hà tất phải vội, hắn càng đến muộn thì cái sự quan trọng của ngài Khâm sai càng được nhấn mạnh trong lòng người khác chứ sao.
Hai đứa gia nhân đứng cửa thấy Khánh đã tiến tới Đại sảnh liền cúi đầu vấn an rồi nhẹ nhàng đẩy hai cánh cửa mở ra. Khánh từ tốn bước vào và thấy tất cả đã đến dự đông đủ.
Trong Đại sảnh đường, những chiếc bàn được đặt ngay ngắn theo hàng ở hai bên và một chiếc bàn chủ tọa được đặt ở giữa trong cùng, đằng sau treo một tấm da hổ rất lớn trên bức vách. Các bàn chỉ còn chiếc bàn đầu tiên sát bàn chủ tọa bên tay trái còn trống, là bàn của Khánh. Thái úy Nguyễn Quang Lợi ngồi ngôi chủ tọa, bên phải là bàn của Nguyễn Viễn, em trai của Nguyễn Quang Lợi đang lãnh chức Thượng Thư bộ Hình. Ngồi liền sát đó là những vị tiền bối của họ Nguyễn đều đương chức Viên Ngoại Lang phẩm Thượng Thư là các vị Nguyễn Đạo Thanh, Nguyễn Thủ Cương và Nguyễn Khoan Thái cùng với Viên ngoại lang tân nhiệm Nguyễn Viết Thân, một viên quan trẻ tuổi chắc mới ngoài ba mươi. Cả ba vị tiền bối đều đã làm quan từ thời Tiên đế, giờ ai nầy tóc đã đều điểm bạc, là bậc cây đa cây đề của Nguyễn Gia.