Đến thời thiền sư Diệt Hỉ sáng lập tông giáo ở Pháp Vân tự phương nam thì phái thiền Nam Hội cùng các đại sư thế hệ sau lên tu tập tại Tây Thiên Tam Thiền Tự đã đột ngột biến mất được gần hai trăm năm. Thiền phái Diệt Hỉ nhanh chóng phát triển thành thiền phái chánh tông của Đại Cồ Việt. Thiền sư Diệt Hỉ từng có duyên gặp gỡ và cứu mạng chính tam sơ tổ của thiền tông Trung Hoa là Tăng Xán đại sư khỏi sự t·ruy s·át của triều đình phương bắc khi sang truyền giáo ở Trung Nguyên. Tam tổ khuyên thầy hãy đi về phương nam yên bình mà truyền đạo. Sư trở về Pháp Vân tự và sáng lập ra thiền phái Diệt Hỉ, người theo tu học rất đông. Những thế hệ nhân tài lần lượt xuất hiện trong môn phái và sau này đều trở thành những đại nhân vật đóng vai trò rất lớn trong công cuộc kháng chiến chống phương Bắc, cũng như duy trì quốc thống triều đình nhà Ngô, Đinh, Lê, Lý. Có thể kể đến thiền sư Pháp Hiền, Pháp Thuận, Định Không, Đinh La Quý, thiền sư Vạn Hạnh,... những thiền sư không những tinh thông Phật pháp, uyên thâm tam giáo cửu lưu mà còn là những cao thủ võ lâm, võ thuật cao cường, nội lực thâm hậu. Thậm chí, khi tu pháp môn thiền lên tầng cao, dân gian còn truyền tụng có vị đại đức còn hiển thần thông, có những dị năng đặc biệt như chim thú vây quanh khi thiền định, đao thương bất nhập khi vận khí rồi còn rất nhiều những truyền thuyết linh dị khó tin khác nữa.
Thiền phái Diệt Hỉ truyền y bát đến đời thứ mười ba tới tay thiền sư Huệ Sinh. Sư thiên tư đĩnh ngộ, sớm có duyên với cửa thiền, tu từ năm mười chín tuổi cùng thiền sư Định Huệ tại chùa Quang Hưng phủ Thiên Đức, đi cầu học khắp các Tùng lâm. Sau lại được khai tâm trực tiếp từ thiền sư Vạn Hạnh, cùng thiền sư Vạn Hạnh phò giúp Thánh thượng đăng cơ nên được liệt vào hàng khai quốc công thần. Tương truyền ông tinh thông hai bộ tuyệt kỹ võ công của phái Diệt Hỉ, về chiêu số là mười hai thức Diệt Duyên Quyền, và về nội công là tuyệt học Bát Nhã Tâm Kinh uy trấn trời nam. Bát Nhã Tâm Kinh là bộ khí công tâm pháp được Tổ sư Diệt Hỉ trực ngộ từ thuật Du già Thiên Trúc và Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, gồm tám tầng công lực. Thiền sư Huệ Sinh đang luyện ở tầng thứ năm. Mỗi lần thiền định Đại sư có thể ngồi nguyên năm ngày, cơ bắp khô lại nên người đời gọi thầy là Nhục thân đại sỹ.
Năm Vạn Hạnh q·ua đ·ời, sư cũng rời kinh đi vân du tu học bốn phương, sang Sơn Đông Trung Thổ rồi lại sang tận Thiên Trúc, Thổ Phồn, mười năm không còn tin tức. Mười năm sau sư đột ngột trở về chùa Quang Hưng, ngay lập tức Thánh thượng phong sư làm trụ trì, nhưng dùng lễ như dành cho bậc Quốc sư. Vua quan, các hoàng tử, vương tử và con em quan tướng mỗi năm vẫn phải dành một tháng để về Thiên Đức nghe thầy giảng pháp.
Thiền sư Huệ Sinh dẫn đầu đoàn gần ba mươi người, gồm hoàng tử, các vương tôn, công tử và các đại sư phái Diệt Hỉ rảo bước từ bến Bạch Mã tiến về cửa Tường Phù phía đông hoàng thành Thăng Long. Bến Bạch Mã là bến phía Đông của Hoàng thành, từ đó đi qua hai con phố là Hàng Buồm, Hàng Vải, qua cây cầu đá bắc qua sông Tô là tới cửa đông. Khi đoàn người đến Hàng Vải, đám người trên những chiếc thuyền hậu cập bến Đông Bộ Đầu Hòe Nhai, bến Phúc Lâm Hàng Đậu cũng vừa đến nơi, hợp đoàn cả thảy hơn tám mươi người cùng tiến về hoàng thành.
Khi gần đến quảng trường cửa đông hoàng thành, đoàn người bỗng nghe có tiếng í ơi, dường như là tiếng quan binh, lại cả tiếng loảng xoảng của giáp và tiếng vó ngựa lộp cộp. Bát lang chắp tay, quay sang tham vấn thiền sư Huệ Sinh:
- Bạch thầy, quảng trường phía đông và nam của cấm thành vốn là vùng cấm địa, ngoại trừ Cấm vệ quân, không có bất kỳ đơn vị quân nào được phép mặc giáp cầm v·ũ k·hí đến gần. Xin phép thầy cho đệ tử qua xem đám quan binh kia của phủ nào, sao lại dám giáp trụ hiên ngang thế.
Thiền sư quay sang nhìn Đạo Thành:
- Mô Phật ! Phiền hộ vệ Thành dùng thân pháp qua nhanh bên đó rồi cho vời chỉ huy của toán quân sang đây để Bát lang hoàng tử có lời muốn cậy.
Quay sang nhìn Bát lang, thiền sư lại nói:
- Hoàng tử cứ từ tốn đi sang bên đó, đoàn sẽ đứng ngay phía sau để chờ người.
Bát lang vừa quay ra bước được ba bước thì đã thấy Lý Đạo Thành đã phi đến quảng trường phía đông sát chân hoàng thành. Thấy bóng hộ vệ giơ tay chỉ chỏ một lát, một chỉ huy cưỡi ngựa ô rời đám quan binh, lang đi được đến bước thứ mười thì hai người một ngựa đã tiến đến trước mặt. Viên chỉ huy dừng ngựa, nhảy xuống, cúi đầu chào:
- Tiểu tướng xin vấn an hoàng tử.
Bát lang hỏi luôn:
- Tiểu tướng to gan, quân nhà nào, phủ nào, có biết luật lệ kinh thành không, chỗ này là chỗ được mặc giáp cầm gươm sao?
Viên tướng cúi đầu đáp:
- Bẩm hoàng tử, tiểu tướng là tiền tướng tiên phong của quân Phiêu Kỵ thuộc phủ Đông Chinh Vương. Quân Phiêu Kỵ nhận được tin báo đại tang khi đang chiến đấu với quân phản loạn ở châu Văn, phải cắt cử các tướng tạm đình chiến, tháp tùng vương gia về chịu tang. Ngựa Phiêu Kỵ chạy gần hai ngày mới về đến bến, lên thuyền về thành. Vì quá vội sợ qua giờ làm lễ nên chưa kịp thay giáp trụ, giờ đám chúng tôi phải phi ngay sang cửa Quảng Phúc phía tây bái vọng theo quy chế đại tang Thánh thượng. Đông Chinh Vương đã xin ân điển của Đông cung điện hạ, Thái sư tướng công Trần Cảo và cũng đã được chấp thuận, sau lễ sẽ xin về phủ đệ thay đồ, mong hoàng tử minh xét.
Hộ vệ Đạo Thành lúc này bỗng lên tiếng:
- Quan anh có phải thuộc binh chế Phiêu Kỵ đâu?
Viên chỉ huy bất chợt giật mình, Bát Lang quay sang, Đạo Thành tiếp lời:
- Quan anh họ Đỗ trên Phương, tuổi ba mươi tám, người trấn Đoài Tây, sung quân từ tuổi hoàng nam, thuộc binh chế quân Thánh Dực, phủ Dực Thánh Vương.
Viên chỉ huy sa sầm nét mặt, đầu cúi thấp hơn, vội thưa:
- Thưa hoàng tử, Phương tôi gia nhập quân ngũ cũng hơn hai mươi năm, trưởng thành trong binh chế quân Thánh Dực, từng tham gia đại chiến hai mươi vạn quân Đại Lý Đoàn thị mười bốn năm về trước. Cuối năm ngoái có nạn giặc châu Văn, Đông Chinh Vương thừa chỉ lãnh chức Phiêu Kỵ tướng quân, ra quân dẹp giặc. Tiểu tướng cùng một vài tướng khác thuộc binh chế quân Thánh Dực, từng có nhiều kinh nghiệm phạt phỉ, lại thông thuộc thủy thổ nên được Đông Chinh Vương mượn nạp xuất chinh, cái này hoàn toàn là sự sắp xếp của bề trên, bề tôi thật không dám có gì dấu diếm.
Bát lang quay sang nhìn Đạo Thành, viên chỉ huy tiếp lời luôn:
- Còn ít khắc nữa là đến giờ hành lễ, cúi xin hoàng tử cho tiểu tướng cáo lui, không trễ giờ lại phạm quân lệnh.
Đạo Thành ngước lên nhìn hoàng tử, Bát lang khẽ gật đầu đáp:
- Thôi cho nhà anh lui, cũng sắp tới giờ rồi.
Đỗ Phương cúi đầu, chắp tay chào, đi lùi ba bước rồi nhảy lên ngựa, đoạn phi nước kiệu hai chục bước nữa rồi mới phi thẳng vể chân thành hướng đám quan binh, rồi cả đám người ngựa phi theo đường quảng trường ven chân thành sang phía tây khuất mắt. Hoàng tử cùng Đạo Thành cũng quay gót về cửa đông.
Vừa bước đi, Bát Lang vừa quay sang hỏi Đạo Thành:
- Thành có vẻ nắm rất rõ về lai lịch viên chỉ huy đó nhỉ?
Thành mỉm cười đáp:
- Bề tôi lớn lên từ trong hoàng tộc, sớm đã dự bị quân ngũ, lại được ân điển của Thánh thượng nên cũng sớm được học chữ nghĩa thi thư. Khi nhàn hạ việc theo hầu, hay không phải ngày học văn học võ học pháp, tôi thường phụ cha với bác san định thư tịch, khẩu bạ của binh bộ và kiêm quản thư tịch thu dụng hoàng nam mỗi năm của Khu mật viện. Cha và bác thấy tôi tổng hợp thư tịch ngay gọn, rành mạch, lại ghi nhớ nội dung, vả lại từ nhỏ tôi cũng có tài lạ là rất nhớ mặt người, những người đã gặp đã biết thì nhớ rất lâu, nên sau bác thường cho tôi theo hầu đến các ban nhỏ của viện để gặp ba quân tướng sĩ. Bẩm hoàng tử, không phải chỉ viên chỉ huy này, mà hầu hết các binh các tướng, thậm chí có cả những tam phẩm hoàng nam có triển vọng nhưng chưa gia nhập binh chế, bề tôi đều ít nhiều nắm rõ lai lịch.
- À, thế bộ binh ở Kinh Bắc vẫn ổn thỏa chứ, có thiếu lương thực thuốc men gì không? Khi ta đang học ở phủ Thiên Đức, Thành chắc cũng về qua thăm cha thăm chú chứ nhỉ? Hoàng tử hỏi.
- Mọi chuyện vẫn tốt, thưa hoàng tử. Quân của Thái tử Đại nguyên soái, Phiêu kỵ tướng quân Đông Chinh Vương và các thân vương đều lấy Thiên Đức làm cơ sở phạt phỉ, việc quân bị thì vẫn hoạt động đêm ngày, nhất là quân Thánh Dực.
Nói đoạn Đạo Thành cười nhẹ rồi tiếp:
- Dực Thánh Vương đến ngày học pháp cũng không đi, ngày đêm ăn ngủ thao trường cùng quân sĩ.
Hoàng tử mỉm cười nói:
- Ừ nếu có thiếu thốn gì ở Thiên Đức, nhận được tin báo ta sẽ cho tiếp vận ngay. Còn về hoàng thúc.
Hoàng tử dừng lại một lúc rồi nói tiếp:
- Hoàng thúc rời binh quyền đã sáu năm, nhưng công trạng to lớn, quân lính trung thành nên chắc vẫn nhớ cái nghiệp binh gia, vẫn lưu luyến cái thuở cầm quân chinh phạt đây mà. Với lại có ông tướng tá quan binh nào từ chối thị phạm của đệ nhất chiến thần đâu cơ chứ.
Nhưng rồi hoàng tử nhìn sang, mặt thoáng nghiêm nghị:
- Nhưng như thế là không tôn trọng các lão sư, không thực hiện trọn vẹn mệnh lệnh của Thánh thượng.
Đạo Thành nhìn lên hoàng tử và đáp lời:
- Toàn quân cũng vừa nể sợ uy danh vừa khâm phục võ nghiệp của lão tướng đánh một trận tan hai mươi vạn đại quân Đại Lý Đoàn thị, vị lão tướng chinh nam phạt bắc, bách chiến bách thắng nên chẳng ai dám ý kiến gì đâu hoàng tử.
Thái tử gật đầu, đoạn vừa đi vừa nói:
- Phù giai binh giả, bất tường chi khí. Ta từng xem sách sử phương bắc, sử nước ta và cả những truyện dân gian truyền thuyết. Ta thấy cả ngàn năm người Việt mất nước, đâu thiếu những anh hùng hào kiệt võ nghệ cao cường đâu. Thế mà tại sao phải mất tới ngàn năm, cứ giành được nước cao lắm vài chục năm rồi lại mất? Phải tới thời Khúc Tiên Chúa, Dương Minh Công mới bắt đầu thai nghén được nền tự chủ lâu dài kéo tới tận ngày nay?
- Thành xin cúi nghe hoàng tử chỉ dạy? Thành liền cúi đầu đáp lời.
- Theo ta đó là do thiếu tâm và tuệ thôi. Giành được là một chuyện, giữ được hay không lại là một chuyện khác. Tâm là để khoan thư sức dân, đoàn kết trăm nhà. Tuệ là để biết cương biết nhu, biết theo thời thế, biết không kiêu mà chẳng nhục, biết không hèn mà chẳng nguy. Như Khúc Tiên Chúa bá chủ một phương rồi mà vẫn chỉ nhận chức Tiết độ sứ, vẫn sai sứ sang phương bắc hòa hoãn để dân sinh không phải chịu cảnh binh đao. Như Dương Minh Công không xưng vương mà âm thầm bồi đắp việc ăn việc học cho những Dưỡng giả tử. Chẳng thế thì sau này chẳng thể có những Ngô Vương, Đinh Tiên Hoàng, Đại Hành Hoàng Đế và Tiên đế chúng ta. Chung quy là ngoài võ vẫn phải có văn, phải học, phải học Đạo Thành ạ.
- Thành thật may mắn được theo hầu và được hoàng tử khai tâm.
Đạo Thành cúi đầu chắp tay lĩnh huấn, hoàng tử vừa mỉm cười vừa vỗ nhẹ mấy cái lên vai Đạo thành rồi cả hai người cất gót tiến về chỗ đoàn người đang đợi ở cửa đông.