Khu Mật Viện

Chương 43: Q2. Chapter 6.1. Binh biến Hoan Châu



Q2. Chapter 6.1. Binh biến Hoan Châu

Sao gọi là Bố thí độ vô lượng?

Lành nuôi người vật, thương xót cả đám gian tà, vui mừng vì người hiền đạt giải thoát, cứu giúp chúng sinh hơn cả trời đất, ân thấm nhuần khắp biển sông. Bố thí cho chúng sinh, người đói cho ăn, người khát cho uống, lạnh cho áo, nóng cho mát, tật bệnh giúp thuốc thang, xe, ngựa, thuyền, kiệu, các thứ châu báu, vợ con, đất nước... hễ ai cầu xin là cho ngay. Như thái tử Tu-đại-noa, bố thí cho bao kẻ nghèo cùng, khác nào như cha mẹ nuôi con, bị vua cha đuổi đi, thương mà không oán.

Lục độ tập kinh

Đại sư Khương Tăng Hội dịch

Trại Định Phiên

Cực nam Hoan Châu

Sát biên giới Chiêm Thành

Mùa xuân, tháng giêng

Năm Thiên Thành thứ tư (1031)

Một ngày vào Giờ Tuất

Trại Định Phiên là vùng trại nằm ở cực Nam của Đại Cồ Việt. Trại này nằm sát dãy Hoành Sơn, biên giới tự nhiên giữa Đại Cồ Việt và Chiêm Thành nên được Tiên đế đặt cho cái tên Định Phiên và cắt cử một hoàng thân là Lý Thai Giai cai quản.

Trại Định Phiên là nơi tiền đồn để giữ gìn biên cương phía Nam, bảo vệ cho cả vùng Hoan Diễn đang trong thời kỳ khai hoang lập ấp. Trại cũng là nơi an định cho những tù binh và di dân của Chiêm Thành chạy sang Đại Cồ Việt. Ngoài ra, trại cũng có trách nhiệm quản lý bốn cảng ở phía Nam Hoan Châu.

Bốn cảng phía Nam Hoan Châu đều là cảng biển. Cửa biển ở cực nam là cửa Xích Lỗ, do nước từ ba khe Hoành Sơn, Hạ Bồ và Du Di đổ vào. Liền tiếp lên phía Bắc là cửa biển Hải Khẩu, do nước từ sông Trí và sông Đình tạo nên. Trên nữa là cửa Nhượng Bạn do nước từ sông Họ và sông Rác tạo thành. Và cuối cùng là của biển lớn nhất và quan trọng nhất, cửa Nam Giới hay gọi nôm na là cửa Sót, do nước của sông Hoàng Hà đổ về mà tạo thành.

Các cửa biển này có vai trò đặc biệt trong việc thông thương với các nước ngoài hải đảo và các nước khu vực phía Nam, tàu bè ghé qua không ngớt, nhất là từ Chiêm Thành và các quốc gia hải đảo như Trảo Oa, Tam Phật Tề, hay xa hơn là từ Lộ Lạc, Thiên Trúc.

Thành trại Định Phiên nằm sát chân núi Hoành Sơn, nhìn ra Hải Khẩu, có sông Trí chảy dài cong cong trước mặt, vừa tiện việc hành quân trên bộ, cũng vừa tiện việc đi thuyền trên sông rồi ra biển để trao đổi hàng hóa cũng như bảo vệ vùng đất địa đầu mỗi khi có giặc ngoại xâm từ phía Nam.

Thế nhưng hôm nay, thành trại đã bị bao vây bởi một đạo binh lính đông đảo. Đạo binh này lại chẳng phải là giặc ngoại xâm.

Giặc này là nội xâm.



Đến giờ Tuất, đứng từ trên bờ thành là thấy đám loạn quân vây kín phía dưới chân thành, lửa đuốc tưng bừng, xa xa còn trông rõ bóng của những trại lính mới lập phủ kín cả tầm nhìn.

Quản giáp Lý Thai Giai đứng trên bờ thành nhìn xuống đám phản quân đang vây thành đuốc lửa, cờ xí rợp trời. Từng giọt mồ hôi rơi lã chã trên gương mặt của vị hoàng thân. Ngài quản giáp tuổi tác đã không còn trẻ nữa, trán và khóe mắt đã giăng kín nếp nhăn, da lấm tấm đồi mồi nhưng đôi mắt vẫn toát ra một vẻ kiên cường, cương nghị nhưng đầy thận trọng. Ông quay sang hỏi viên tướng tùy tùng:

- Phản quân chặn hết lối ra vào thành trại rồi à?

Viên tướng gật đầu đáp:

- Các cổng thành ba mặt đã bị vây kín, phản quân đã bao vây thành rồi, thưa Quản giáp.

Lý Thai Giai lại hỏi:

- Lương thực trong thành trại còn cầm cự được bao lâu?

Viên tướng đáp:

- Lương thực chỉ còn đủ dùng trong tám ngày, thưa Quản giáp.

Lý Thai Giai thở dài nói:

- Tám ngày, từ Thăng Long vào Hoan Châu cũng phải mất ít nhất bảy tám ngày. Chúng ta cố gắng cầm cự, nếu Triều đình không tới kịp thì toàn quân đi cổng sau rút lên núi chờ cứu viện.

Viên tướng đáp:

- Rõ, thưa Quản giáp.

Lý Thai Giai gật đầu rồi lấy trong người ra ba mảnh giấy nhỏ, cắn ngón trỏ rỉ máu rồi dùng máu viết lên ba mảnh giấy dòng chữ : "Hoan Châu binh biến, cầu cứu viện, gấp". Sau đó ngài bước vào trong thành, tiến tới chuồng bồ câu, cuộn tròn ba mảnh giấy rồi nhét vào túi da buộc sẵn ở chân ba con chim bồ câu và ném chúng lên trời.

Ba con chim câu lập tức đập cánh bay thẳng vào không trung.

Cung Long Thụy



Cấm thành Thăng Long

Canh năm rạng sáng hôm sau.

Nội thị Phan Đường Liệt bước những bước chân thoăn thoắt, vội vã tiến tới nơi Hoàng đế đang yên giấc. Tới cổng hai tiểu thái giám và quân Ngự tiền lập tức vái chào. Là Nội thị Hành điện đô tri, luôn có nhiệm vụ báo tin gấp và bí mật cho Hoàng đế nên Phan Đường Liệt được vào thẳng trong phòng vua mà không cần phải khai báo. Gã khẽ mở cửa, nhẹ bước tiến vào trong.

Vào tới gần long sàng, Phan Đường Liệt cất tiếng nhỏ nhẹ:

- Bẩm Thánh thượng.

Chưa thấy trả lời, nội thị lại nói tiếp to hơn một chút:

- Bẩm Thánh thượng.

Từ trong bức màn che có tiếng nói vọng ra:

- Có việc gấp à?

Phan Đường Liệt liền nói:

- Bẩm Thánh thượng, đúng là có việc gấp. Có binh biến ở Hoan Châu, Khu mật sứ Ngô Đinh báo rất gấp, không thể chờ buổi chầu sớm, đang chờ được tiếp kiến bên ngoài điện Long An.

Lập tức một bàn tay thò ra, vén màn sang một bên, Hoàng đế bước xuống giường rồi nói lớn:

- Thay xiêm y ngay cho trẫm.

Đám thái giám cung nữ ngay lập tức chạy vào mang y phục để thay cho Hoàng đế. Ngài nhìn sang Phan Đường Liệt rồi nói tiếp:

- Ngươi mau tới điện Nhật Quang triệu gấp Bát Lang tới điện Long An cho trẫm.

Phan Đường Liệt đáp:

- Thần tuân mệnh.

Sao đó, Nội thị ngay lập tức lui xuống rồi khẩn trương tiến thẳng tới điện Nhật Quang.



Điện Long An

Cấm Thành Long An

Bát lang hoàng tử rảo bước tới điện Long An. Tới cửa điện đám thái giám thị vệ lập tức cúi chào rồi mở cửa. Hoàng tử vào thư phòng đã thấy nhà vua ngồi sẵn bên bàn, Khu mật sứ Ngô Đinh và Tả tâm phúc Lý Nhân Nghĩa đang đứng hầu bên cạnh. Hoàng tử hành lễ:

- Bái kiến Thánh thượng, Thánh thượng vạn tuế.

Nhà vua nhìn lên, gật đầu đáp:

- Miễn lễ, trời chưa sáng đã có việc muốn cậy Bát lang. Việc quân gấp gáp, chẳng thể làm khác được.

Bát lang chắp tay cúi đầu đáp:

- Nhận lệnh vua ban, Nhật Quang nào dám nề hà. Vả lại, Thánh thượng cùng các tướng lo toan việc nước thức khuya dậy sớm có kêu ca chi đâu. Tháng thượng có cần gì xin cứ ban lệnh, Bát lang xin hết lòng phụng mệnh vua ban.

Hoàng đế mỉm cười gật đầu rồi hướng sang phía Khu Mật sứ nói:

- Ngô sứ hãy trình bày tình hình đi.

Ngô sứ chắp tay cúi đầu rồi nói:

- Khải bẩm Thánh thượng. Khu Mật Viện liên tục nhận được bồ câu từ khắp Diễn Châu, Hoan châu cấp báo. Châu mục các châu đã dấy binh tạo phản. Phản quân đã chiếm hết trị sợ các châu, m·ưu đ·ồ chia tách đất nước. Khắp vùng Hoan Diễn giờ chỉ còn đạo quân ở trại Định Phiên nơi biên giới vẫn cầm cự cố thủ được trong thành trại nhưng đã bị bao vây, lương thực gần cạn. Tình hình nguy cấp, mong hoàng thượng ban quyết sách.

Nhà vua khe khẽ gật đầu rồi nói:

- Phản loạn tất phải đánh dẹp. Lần này trẫm cũng vẫn sẽ thân chinh xuất binh bình phản. Tuy nhiên, Hoan Diễn vốn có đến mười hai cảng biển phục vụ cho thương mại quốc gia, lại là vùng địa đầu nơi biên viễn để chống giặc ngoại xâm. Ta cần cân nhắc xem sẽ tiến hành bình phản thế nào chứ đừng ném chuột lại vỡ bình hoa, lỗ mãng tất gây tổn hại đến các đại cảng và r·ối l·oạn tình hình biên cương, vừa nhọc cho dân, vừa phiền cho nước.

Rồi nhà vua nhìn sang Bát lang và nói:

- Bát lang lâu nay suy tính và hành xử vốn rất thấu tình đạt lý. Nay trẫm cho mời đệ tới cùng bàn định việc chinh phạt. Trẫm đang mong chờ ý kiến của đệ về việc Nam chinh lần này.

Bát lang chắp tay đáp:

- Thần tuân mệnh.

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.