Bấy giờ Đức Thế tôn bảo Bồ tát Văn Thù Sư Lợi rằng:
Thế nào là vô minh? Này thiện nam! Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, bị các thứ điên đảo như người mê lẫn lộn bốn phương, vọng nhận tướng tứ đại là thân mình, chấp cái duyên theo dáng sáu trần là tâm mình. Ví như người mắt bị nhặm thấy hoa đốm trong hư không và mặt trăng thứ hai.
Kinh Viên Giác
Chùa Vạn Tuế
Phía Tây Hoàng thành Thăng Long
Rạng sáng
Năm ngày sau cuộc Nam chinh.
Cốc cốc cốc cốc cốc...
Tiếng gõ mõ nhịp nhàng hòa với tiếng tụng kinh, nương theo làn khói hương trầm tỏa ra đầy tràn Đại điện của chùa Vạn Tuế, ngôi chùa được xây dựng ở góc phía Tây Hoàng thành Thăng Long, nằm gần cửa cung Thúy Hoa nơi hậu cung để hoàng thất tiện việc lễ Phật cầu an.
Khác với chùa chiền của phương Bắc, hầu hết được xây dựng ở trên những đỉnh núi cao chót vót. Chùa chiền phương Nam thường được dựng ở lưng chừng núi, ở dưới đồng bằng, ở quanh làng mạc, khu dân cư... hoặc thậm chí, ở luôn trong Hoàng thành, gần nơi ở của nhà vua và hoàng thất.
Chùa Vạn Tuế được xây từ năm Thuận Thiên thứ năm. Vốn làm chốn cầu an, cầu phúc và nghe tụng kinh, giảng pháp của hoàng gia. Chùa xây cao lớn, rộng rãi theo hình chữ Công. Trong Đại Điện có đặt cả một bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát dát vàng khổng lồ trên ban thờ, quanh năm khói hương nghi ngút.
Một vị đại sư tầm ngoài ba mươi tuổi đang ngồi trước ban thờ chính của Đại điện với bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát dát vàng cao gần ba mươi thước. Đại sư mặc áo màu ghi xám, khoác thêm một chiếc áo cà sa, một tay gõ mõ, một tay lần tràng hạt, mắt nhắm nghiền, miệng tụng niệm bản kinh Diệu Pháp Liên Hoa, một bản kinh cầu an.
Ngồi phía sau có thêm mười sáu vị cao tăng mặc áo ghi ngồi xếp thành hình vuông, mắt cũng nhắm, miệng cũng đang đọc kinh theo tiếng kinh, tiếng gõ mõ của vị cao tăng mặc cà sa ngồi phía trước.
Tiếng gõ mõ, tiếng tụng kinh, mùi hương trầm với cả ngôi chùa và bức tượng đại Phật, vốn là những thứ được dựng lên để mang lại sự bình an trong tâm tưởng của những người thụ hưởng. Thế nhưng, tất cả những thứ đó, hôm nay, có vẻ vẫn chưa thể mang lại sự bình an cho một người.
Đứng trong bái đường, ngay phía sau các nhà sư là một đoàn hơn chục người đứng chắp tay bái Phật. Hơn chục người đó thì có một phụ nữ đứng phía trước riêng một hàng, đám người kia đứng ở hàng còn lại phía sau.
Người phụ nữ mặc trên người một bộ Vĩ Địch màu xanh đen thẫm thêu hoa văn phượng hoàng bằng vàng, đầu đội Phượng Quan bằng vàng ròng, thân mũ có hoa văn hình ngọn lửa, lại có tượng Phật ngồi kiết già trên trán mũ.
Đó là lễ phục của bậc mẫu nghi thiên hạ và người phụ nữ đang nhắm mắt, nhẩm kinh, bái Phật đó chính là Kim Thiên Hoàng Hậu Mai Thị, Chính cung Hoàng hậu của đương kim Thánh thượng. Hoàng hậu có ngũ quan đoan chính, gương mặt trái xoan, lông mày lá liễu. Khoác trên người bộ lễ phục lại càng tăng thêm vẻ quý phái, vương giả. Hoàng hậu đã kiên nhẫn đứng cùng tụng kinh với các vị tăng sư cả canh giờ đồng hồ. Đám thái giám, cung nữ theo hầu ngay phía sau.
Một lúc sau, vị đại sư mặc cà sa gõ hai tiếng chuông tay kết thúc bài tụng. Vị sư hạ cây dùi gõ xuống, đặt ngay ngắn bên cạnh mõ và chuông, rồi xoay chân quay người ra, từ từ đứng dậy. Các vị tăng ngồi phía sau cũng lần lượt kết thúc buổi tụng công phu khuya vào đầu giờ Mão.
Đợi cho vị mặc áo cà sa đứng hẳn lên rồi quay người rời khỏi minh đường trước ban thờ đi ra, Thiên Kim Hoàng hậu mới cất tiếng nói:
- Viên Chiếu đại sư. Chẳng hiểu thế nào mà từ ngày Thánh thượng Nam chinh, ta cứ có cảm giác bất an không sao tả nổi, mà mỗi ngày cảm giác đó lại ngày một tăng lên. Hôm nay, trời chưa sáng ta đã không sao chợp mắt được, phải thay lễ phục, đến chùa cầu an. Đại sư nổi tiếng nước Nam là trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Liệu có thể bói cho bản cung một quẻ xem chuyến Nam chinh lành dữ ra sao được không?
Lúc này nhận ra người đứng trước bái đường chính là đương kim Hoàng hậu, đám sư sãi lập tức chắp tay cúi đầu đồng thanh vấn an:
- Bái kiến Hoàng hậu nương nương.
Hoàng hậu mỉm cười nhưng vẫn không giấu được nỗi đăm chiêu trong ánh mắt. Hoàng hậu cũng chắp tay theo lối Phật gia và đáp:
- Xin các đại sư miễn lễ.
Nói xong, Hoàng hậu lại lập tức hướng ánh mắt mong mỏi về phía vị đại sư mặc cà sa, chính là Đại sư Viên Chiếu, đệ tử chân truyền của Tăng thống Định Hương, là truyền nhân đời thứ bảy của đệ nhị danh phái Vô Ngôn Thông. Người đời vẫn cho rằng sau này khi Tăng thống Định Hương khuất núi, y bát của Hữu Nhai Tăng thống nhất định sẽ truyền tới tay Đại sư.
Viên Chiếu từ tốn cất những bước đi nhẹ như bay từ ban thờ ra bái đường. Đại sư có đôi mắt sáng, tai cao hơn lông mày, dái tai lại dài quá hàm. Đặc biệt giữa vầng trán vừa cao vừa vuông của đại sư có một nếp nhăn dọc tạo thành một rãnh kéo xuống tận ấn đường, những bậc trí giả nước Nam gọi tướng đó là khai thiên nhãn, dấu hiệu của người cực kỳ thông minh và có duyên với cửa Thiền.
Tới trước mặt đoàn người của hoàng hậu, vị đại sư khẽ cúi đầu chào thêm lần nữa, rồi mỉm cười đáp:
- Mô phật. Việc binh đao vốn dĩ là việc dữ, có bao giờ là việc lành đâu, thưa hoàng hậu. Cái này cần chi phải bói thêm quẻ nào.
Hoàng hậu nhăn trán băn khoăn hỏi tiếp:
- Nói thế nghĩa là lần này đi lành ít dữ nhiều à Đại sư?
Viên Chiếu đáp mỉm cười đáp:
- Như thế thì không phải. Thánh thượng phúc lớn, mạng lớn, được trời phật phù hộ, vốn sẽ gặp dữ hóa lành, nên lao vào chỗ dữ để biến dữ thành lành là sứ mệnh của ngài. Con dân Đại Cồ Việt đều mong muốn được cây cao che bóng cả là vì như vậy, gọi ngài là Thiên tử cũng là vì như vậy. Vả lại Thánh thượng và triều đình đều đã chuẩn bị kỹ lưỡng để thế thiên hành đạo, lại được vạn dân nguyện cầu bình an, mọi việc tất sẽ suôn sẻ, thành công. Mong nương nương bớt lo âu.
Thiên Kim hoàng hậu thở dài rồi nói:
- Vẫn biết là như vậy, nhưng sao lòng ta vẫn có cảm giác hoang mang, lo lắng. Không hiểu tại làm sao?
Viên Chiếu đáp:
- Thưa nương nương, đó cũng là nỗi hoang mang của người vợ có chồng ra trận như bao người phụ nữ khác, điều này Viên Chiếu có thể hiểu được. Bần tăng tin rằng chuyến đi lần này chỉ có thể làm tăng thêm phúc đức, tăng thêm tin yêu nơi chúng dân, dẫu có khó khăn gì cũng tai qua nạn khỏi, đại công cáo thành. Mong nương nương chớ quá âu lo lại ảnh hưởng tới ngọc thể, Thánh thượng thắng trận trở về quốc sự vừa được nhẹ lòng thì lại phải khắc khoải chuyện hậu cung.
Lúc này, gương mặt đoan trang của Hoàng hậu mới dịu đi một chút. Hoàng hậu nói:
- Được, đại sư đã nói như vậy thì ta cũng ít nhiều được yên lòng. Ta sẽ nhất định giữ gìn ngọc thể, chờ Thánh thượng ca khúc khải hoàn để lại được chăm sóc cho thân rồng.
Viên Chiếu cúi đầu chắp tay nói:
- Nương nương hiểu được như vậy là quá tốt rồi, nương nương sớm ngày được an định, Thánh thượng sớm ngày được chăm lo là phúc lớn của bá tánh, của Đại Cồ Việt.
Hoàng hậu lúc này mới nở một nụ cười thanh thản. Viên Chiếu nói tiếp:
- Buổi tụng công phu khuya cũng đã kết thúc. Chúng tăng cúi xin Hoàng hậu nương nương sớm về cung nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe. Chắc nương nương đứng tụng kinh ở chùa cũng khá lâu rồi.
Đám sư sãi cùng cúi đầu đồng thanh:
- Cúi xin Hoàng hậu nương nương giữ gìn ngọc thể.
Hoàng hậu mỉm cười đáp:
- Được, ta xin nghe theo lời khuyên nhủ của các đại sư.
Nói xong, Hoàng hậu quay người ra lệnh cho đám người theo hầu:
- Thôi chúng ta hồi cung.
Cả đám người hầu cùng sư sãi lập tức cúi đầu. Hoàng hậu cất bước sen ra cửa Đại điện hồi cung, đám cung nữ và thái giám lần lượt nối đuôi theo sau Hoàng hậu rời khỏi chùa Vạn Tuế.
Đại sư Viên Chiếu làm nốt những việc lặt vặt, dặn dò thêm đôi chút rồi cởi cà sa trao lại cho các tăng sư rồi cũng lững thững rời đi. Tuy đại sư và hoàng hậu đối đáp chừng mực như vậy nhưng theo đúng vai vế gia tộc, đại sư vốn là cháu gọi Hoàng hậu là cô.
Trước khi xuất gia, tên tục của đại sư Viên Chiếu là Mai Trực. Cha của đại sư cùng với Kim Thiên Hoàng hậu đều là con của An Quốc Thượng tướng Mai Hựu, một thế phiệt danh gia vùng Hoan Ái. Vậy nên, về việc bái lễ cầu an cho Hoàng gia, đại sư Viên Chiếu luôn là người rất được tin tưởng.
Đại sư bước ra khỏi cổng chùa, đi ra ngoài Hoàng Thành từ cửa Quảng Phúc, theo các bậc thang từ bờ đê đi xuống bến sông, rồi lên một con thuyền nhỏ đã có người chèo đợi sẵn để theo dòng Ngọc Hà đi thẳng ra hồ Dâm Đàm về chốn Tùng Lâm của phái Vô Ngôn Thông ở chùa Trấn Quốc.
Người chèo cho thuyền rời bến rồi chầm chậm ngược dòng Ngọc Hà đi lên cửa Thụy Chương. Trời mới rạng sáng nên cảnh vật xung quanh vẫn lờ mờ bên trong làn sương buổi sớm, cùng với tiếng chim rúi ra ríu rít từ những tán cây xanh ngát hai bên bờ đê tạo nên một quang cảnh thật sự yên bình, thanh thoát.
Khi thuyền trôi tới gần khu rừng trên núi Sưa gần tới sông Tô thì bỗng có một tiếng kêu thảm thiết của một ai đó xé toạc sự yên bình của không gian.
Viên Chiếu đại sư liền hướng ánh mắt theo tiếng kêu vọng tới thì thấy dưới chân núi Sưa hình như có bóng một người b·ị t·hương đang nằm rạp dưới đất. Đại sư lập tức ra hiệu cho lái thuyền cập vào bờ sông gần đó.
Thuyền cập bờ, Viên Chiếu lập tức bước lên, rảo chân chạy nhanh về hướng có người b·ị t·hương. Tới nơi, đại sư thấy đúng là có một người đang nằm sấp, ngất lịm dưới đất. Cẳng chân trái của người đó b·ị t·hương khá nặng, máu chảy đầm đìa.
Đại sư ngay lập tức bước tới, xem xét v·ết t·hương, điểm huyệt cầm máu cho người đó rồi xé toạc một mảnh vải từ áo của mình băng bó v·ết t·hương lại và nói:
- Thí chủ, thí chủ thấy thế nào, cố gắng chịu đựng một chút, tôi đang băng bó lại v·ết t·hương cho thí chủ.
Người kia khe khẽ mở mắt, ngẩng gật đầu như rất cảm kích rồi lại gục xuống. Viên Chiếu liền nhẹ nhàng lật người b·ị t·hương lại để tiện việc sơ cứu những v·ết t·hương nằm ở đùi trước.
Sụt.
Bỗng Viên Chiếu cảm thấy có cảm giác lạnh buốt của kim khí tỏa ra ở bụng. Nhìn xuống thì thấy người b·ị t·hương đã dùng một con dao găm đâm vào bụng mình, màu máu bắt đầu loang lổ, trải rộng dần ra từ v·ết t·hương đỏ thắm cả phần áo trước bụng.
Còn chưa hết sững sờ kinh ngạc thì Viên Chiếu thấy người mình vừa cứu vùng dậy, bò ngược ra xa khỏi mình rồi ấp úng nói:
- Đại sư, đại sư tha thứ cho tôi, tôi thật không muốn thế đâu, họ giữ gia đình con cái để ép tôi, tôi không có lựa chọn. Đại sư, mong đại sư dưới suối vàng hiểu cho kẻ hèn này.