Khu Mật Viện

Chương 5: Q1. Chapter 2.2. Lĩnh Nam công chúa



Q1. Chapter 2.2. Lĩnh Nam công chúa

Nhưng có vẻ con quái vật đã nhầm, thiên địch thực sự của nó hôm nay không ở trên thuyền, mà ở trên trời. Con Dời là con đại bàng đực, nó nhỏ nhắn hơn con cái là con Dăng. Con quái vật đen tuyền kia từ lúc chui ra đã lọt vào tầm mắt của nó. Con Dời khép cánh, chúi đầu phi xuống như một mũi tên. Thoắt cái nó đã phi xuống đến gần con mãng xà, đoạn nó lộn thân lên, dang cánh để kiểm soát lực rơi rồi giơ đôi chân đầy vuốt nhọn xuống định quắp lấy con rắn.

Con rắn đen sau khi phát hiện kẻ thù phi từ trên không xuống thoáng giật mình nhưng nó cũng nhanh như chớp giật cái đầu mình lại thoát được cú quắp của đại bàng rồi trườn sang một bên, nhìn lên con Dời và nhe đôi cái nanh sắc nhọn của nó ra để thị uy.

Đại bàng nhẹ nhàng đáp xuống trước mặt con rắn, cũng vỗ vỗ đôi cánh thủ thế và trợn con mắt tròn xoe nhìn chằm chằm vào đối phương. Con rắn nhe nanh phun những tia c·hất đ·ộc trong suốt về phía đại bàng nhưng đối phương xoay cánh một vòng hất hết đám độc tố ra rồi lại nhìn chằm chằm nó. Con rắn chớp thời cơ đại bàng xoay người thì nhoài cái thân dài của nó ra rồi dơ nanh mổ một cái. Đại bàng lập tức vỗ đôi cánh nhẹ nhảy lên né được rồi giơ chân đạp một nhát trúng đầu rắn. Cái vuốt sắc nhọn móc rách một vết lớn đên đầu rắn tóe máu tươi. Con rắn gập đầu xuống, chưa kịp hoàn hồn, có lẽ còn chưa kịp cảm thấy gì thì đại bàng chồm lên. Cả hai chân nó ghè cổ con rắn đè xuống đất và cái mỏ cặp lấy mõm rắn rồi giật ngược lên, con rắn rách toạc mồm ra mà c·hết.

Con Dời cắp lấy con hổ mang vỗ cánh bay vượt lên trên con Dăng rồi thả con rắn xuống. Con Dăng quắp lấy con rắn, cũng lại bay vượt lên, mổ và dứt đứt một miếng đầu rắn rồi thả con rắn ra. Con Dời lại phi theo con rắn đang rơi, đỡ lấy cũng giật một miếng rồi lại bay lên cao hơn nữa xong bất ngờ cũng thả con rắn ra tiếp để con Dăng đỡ lấy. Đôi chim vờn nhau, vờn đi vờn lại quấn quýt.

Dưới thuyền, phụ nữ bước đi khoan thai tiến lại bàn của người to lớn đang ngồi trên mạn. Khi tới gần bàn, cô quăng một ánh mắt về phía người đàn ông và lại mỉm cười. Người đàn ông bắt được ánh mắt nàng, nhổm lên, nhích người về phía bên phải ghế bành, đoạn đưa tay phủi phủi mặt ghế rồi ngước lên tươi cười:

- Bà xã, bà xã ngồi đi.

Người phụ nữ nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh người đàn ông, nàng đưa chiếc quạt lông công lên hướng đôi chim đang bay trên cao và nói:

- Trời cho đại bàng của các ông nhiều thứ để làm vua nhỉ? Mà nó bay cao bay thấp gì thì cũng phải có lúc bay về với vợ với con đấy, cái này chắc cũng là thiên phú nhỉ?

Người to lớn nhăn trán nhìn sang:

- Pố con tôi vẫn phục tùng cái thiên phú đó mà, tôi có để bà uất ức cái gì không chứ. Tôi còn đang phải nhắc nhở về thiên phú đại bàng cho Thiệu Thái đây, sợ cứ thánh thánh hiền hiền rồi lại quên mất linh hồn đại bàng trong máu.

Người phụ nữ ranh mãnh nhìn sang đáp lời:

- Tôi chỉ nhắc thế thôi, tôi bỏ cả hoàng gia, bỏ cái quyền kế thừa để lên cái xứ miền ngược với các ông đấy, đối xử sao thì đối xử.

Người đàn ông ngồi ghế bành vừa nói vừa quay đi tỏ vẻ hờn dỗi:

- Cái quyền của bà nó đứng hàng thứ bảy thứ tám lận, bà chờ thì đến mòn người. Mà bà lên ngược để ngồi đếm mấy cái xe, mấy cái thùng hàng qua Bạc dịch trường thì có. Trên cái xứ đó chả thiếu thốn cái quái gì cả, nếu bà thấy uất ức gì bà có thể về xuôi, ai dám giữ Lĩnh Nam Bảo Quốc Hòa Dân công chúa của đương kim Thánh thượng đâu cơ chứ.



Người phụ nữ lúc này bỗng vòng tay qua cánh tay rắn chắc của người đàn ông rồi thủ thỉ:

- Tôi đùa đấy, tôi chẳng thà lên trên đó ngày đêm vui thú tiêu dao, tự do tự tại thuần voi cưỡi ngựa hết rừng này đến suối khác còn hơn là suốt ngày nhìn đám quan quân nào vái nào chào, nào nịnh nào nọt ở dưới xuôi, thật là bí bách lắm. Thân vương à thân vương, không có thân vương thì bao nhiêu đèo trời, thác nước tuyệt vời trên ngược tôi chỉ được biết qua lời kể của phụ hoàng thôi.

Người đàn ông đáp:

- Thôi bà đừng nịnh nữa, bà cứ dùng mãi cái chiêu của nữ nhân dưới xuôi để đối phó tôi thôi. Bà bây giờ cũng là Then Cái trên này rồi, cộng thêm lại là công chúa, vị thế bà có kém gì tôi đâu, nịnh tôi làm gì tôi có gì cho bà đâu.

Người phụ nữ cười khúc khích rồi ôm siết hơn đáp:

- Thân vương cho tôi gia đình, thân vương cho tôi hạnh phúc, là thân vương cho tôi hết, phụ hoàng mất rồi, tôi không trông cậy vào thân vương thì vào ai?

Người đàn ông bĩm môi buông một tiếng : "Hay lắm" rồi vừa cười tủm tỉm vừa lắc đầu. Chàng trai trẻ đứng sau hai người cũng mỉm cười hóm hỉnh.

Gia đình này là gia đình quyền thế nhất vùng Lạng Châu nói riêng và cả vùng khê động rộng lớn phía bắc nói chung. Người đàn ông to lớn đó vốn tên là Giáp Thời Quý, là Tày chủ, châu mục Lạng Châu, trấn thủ con đường bộ lớn nhất nằm giữa Đại Cồ Việt và Đại Tống. Vốn là người Giáp Khẩu, cả vùng mang họ Giáp. Sau này vì trung can nghĩa đảm lại có võ nghệ cao tuyệt luân nên được Thánh thượng phong vương, gả cho người con gái thứ, rồi ban thêm một nét vào chữ Giáp để đổi thành họ Thân với ý nghĩa thân cận với hoàng gia.

Vai vế dòng họ Thân vang động cả trời nam đất bắc. Thậm chí vua quan nhà Tống cũng phải vị nể đôi phần. Binh lính nhà Tống nghe đến tên quân động Giáp thì hết hồn hết vía đã từ đời vua Lê Đại Hành. Chúng dệt lên bao huyền thoại về vị tướng áo chàm xuất thần nhập hóa mà chúng gọi là Thiên Thần, thống lĩnh đội quân Quỷ Thần mặc giáp mây ở Quỷ Môn Quan gặp quân Tống là bắt ăn thịt.

Người phụ nữ thì vốn là con gái thứ của hoàng đế tên là Lý Bảo Hòa, tên chữ lấy từ bốn chữ Bảo Quốc Hòa Dân, tước hiệu Lĩnh Nam công chúa. Nàng từ nhỏ đã rất được Thánh thượng yêu chiều vì tố chất thông minh lanh lợi, lại ham học Phật pháp thi thư. Sau này, khi lấy thân vương thì lại chuyên tâm quản lý khu buôn bán giữa Đại Tống và Đại Cồ Việt ở trại Vĩnh Bình rồi lại nghiên cứu văn phong tục lễ, tín ngưỡng của người tộc Tày cũng như các tộc người miền ngược nên được dân vùng rất vị nể và suy tôn lên hàng bà Then, rồi bà Then Cái, tức là người chủ tế ở xứ Tày Lạng Châu vậy.

Người thanh niên đứng đằng sau chạc độ hăm lăm hăm sáu tuổi, là con riêng của thân vương tên là Thân Thiệu Thái, tinh thông đủ ban võ nghệ, lại được gửi học cùng con cái các vương thân quý tộc đương triều ở Thăng Long và phủ Thiên Đức. Thái được Bảo Hòa công chúa chỉ dạy nhiều cũng như được bà gửi gắm với những người dưới xuôi, lại thêm mẹ mất sớm nên cũng rất hiếu nghĩa và lễ độ, coi công chúa như mẹ ruột vậy. Gia đình này được nhà vua đặc biệt ân sủng và coi trọng, vào chầu được phép mặc quần áo truyền thống của tộc Tày, danh lợi đôi đường đủ cả.

Bảo Hòa công chúa ngước lên nhìn Thiệu Thái rồi đứng dậy, bước lên mạn thuyền nhìn sang bên bờ thành ngoại và nói:

- Thiệu Thái đi tu học kinh kỳ có biết tên chữ của hai làng bên bến này không?

Thiệu Thái trả lời luôn:

- Làng Nghĩa Đô, làng Bái Ân, thưa mế.



Công chúa gật đầu mỉm cười, nói tiếp:

- Tên hai làng này do chính Thánh thượng đặt đấy, con biết tên chữ như thế nghĩa thế nào không?

- À vậy ạ?

Thiệu Thái nhướn mày rồi đáp:

- Con xin được lắng nghe mế dạy đây ạ.

Công chúa nhìn lên đôi mắt chăm chú của Thiệu Thái và từ tốn nói:

- Ừm, khi xưa, một ngày vào mười bảy năm trước, Thánh thượng dong thuyền đi thị sát vùng Kẻ Bưởi này, ngày đó ta cũng được đi theo hầu bên cạnh. Hai cái làng này khi trước có tên tục là xóm Dâu và làng Nghè. Khi thuyền đến gần bến Giang Tân thì thấy người dân ra chào đón rất đông, trên bờ dưới búa cơ man là người, thật là nô nức. Mà kỳ lạ nhé, những người đứng ở hàng đầu men sông cùng nhau căng những tấm lĩnh lớn thật là lớn, mịn màng óng ả và thêu hình Ma Kiệt Thần Long của hoàng gia sống động như thật ở giữa.

Công chúa mỉm cười rồi dừng lại một chút nhìn sang gương mặt đang rất háo hức của Thiệu Thái, đoạn nói tiếp:

- Thánh thượng thấy lạ lắm, cho tùy tùng đánh thuyền vào sát ven bờ để hỏi xem lĩnh này ai làm, và làm như thế nào? Người già làng đại diện lên bái kiến mới thưa rằng xóm Dâu có nghề dệt lĩnh đã nổi tiếng nơi đây bao đời nay, còn làng Nghè thì lại là làng chuyên làm giấy sắc phong nên có rất nhiều người họa sĩ tài danh. Ngày Thánh thượng rời đô về Thăng Long, hai làng đã cùng với nhau làm những kiệt tác để chờ đến ngày được tiến vua. Rồi lại đúng ngày thuyền rồng ghé qua, dân hai làng đã nô nức kéo nhau mang món quà dâng lên Thánh thượng. Trời đất, lĩnh trơn của xóm Dâu mịn màng lắm, ta còn được Thánh thượng cho cầm qua, con bé con khi đó thích quá còn lấy lĩnh thoa lên cả mặt nữa. Còn con Ma Kiệt Long thì khi lĩnh căng phất phới trong gió, nó như muốn bay ra khỏi vải mà phóng lên không trung vậy. Thái tổ cảm kích lắm, do đó mới đặt cho xóm Dâu cái tên Nghĩa Đô, làng Nghè cái tên Bái Ân, tức một làng có Nghĩa và một làng có Ân với kinh đô đấy.

Công chúa lại dừng một chút rồi nói tiếp:

- Từ đó về sau, hai làng tuy hai mà một trở thành làng dệt và làng giấy nổi tiếng nhất kinh thành. Thương nhân khắp nước đổ về Kẻ Bưởi như ong. Lĩnh này giấy này sản xuất số lượng rất lớn, thay dần cả những hàng nhập từ nhà Tống, thậm chí trở thành mặt hàng chủ lực của Bạc dịch trường. Giờ con xem, quang cảnh nơi đây giờ đã khang trang lắm rồi, không như mấy xóm ven sông lụp xụp các túp lều tranh ngày xưa nữa.

Thiệu Thái chắp tay đáp lời:

- Đội ơn mế đã cho con biết được một sự tích hay và nhiều ý nghĩa đến vậy.



- Thiệu Thái này.

Công chúa buông tiếng gọi rồi lặng im một chút rồi tiếp.

- Lạng Châu không làm vải không làm giấy, con chính là tấm lĩnh của pố mế dâng lên cung vua.

Thiệu Thái vội chắp tay cúi mặt đáp:

- Ơn sinh thành của pố, ơn dưỡng dục của mế, ơn tín nhiệm của vua, Thiệu Thái con ghi lòng tạc dạ. Con nguyện đem hết sức mình phụng sự, quyết không phụ sự mong mỏi của pố mế, quốc gia.

Công chúa lại gật đầu mỉm cười:

- Chuẩn bị cập bến thôi, nhớ đường chưa?

Thiệu Thái đáp:

- Nhập bến Giang Tân, qua Liễu Nhai đạo, đến trại Kim Mã nhận ngựa vào cửa Quảng Phúc, thưa mế.

Công chúa khẽ gật đầu.

Thiệu Thái bước lên mạn, rút từ trong tai nải một bao tay da xỏ vào tay trái, dơ lên ngang vai, vỗ vỗ hai cái. Tức thì con Dời bay liệng từ trên cao xuống, đỗ lên bao da, con Dăng cặp lấy con rắn bay xuống hố gỗ. Đoạn cởi bao tay đưa lại cho cha xỏ vào, rồi bước xuống trước dẫn đường. Người cha là Thời Quý đến bên cạnh công chúa Bảo Hòa cùng đi, đám tùy tùng lật đật theo sau.

Con thuyền cái cập bến Giang Tân, trưởng kỳ vẫy cờ, trưởng hiệu hô loa:

- Thuyền của tri châu Lạng Châu, Phò mã thân vương Thân Thời Quý nhập thành.

Cửa thành mở lên, đám quan biên tịch lịch kịch chạy xuống đón. Các con thuyền nối nhau tiến vào các bến ở bờ sông quanh cổng thành rồi bắc ván lên bờ. Thân Thiệu Thái bước lên trước gặp đám biên tịch, giơ lên một miếng đồng xanh hình tròn hoa văn Đồng Cổ được gọi là Đồng Cổ Lệnh, thứ vốn để nhận biết người cầm quân nói lớn:

- Các thuyền chở quân lương, đồ ứng, đồ tế, đồ cống. Phong bế.

Đám biên tịch cúi đầu tuân lệnh, đám quân giáp mây túa ra đứng vào những vị trí gác cố định trên những con thuyền hàng. Lúc này đoàn người của phò mã và công chúa cũng đi lên.

- Phò mã Thân vương, Lĩnh Nam công chúa nhập thành. Thân Thiệu Thái hô lớn rồi cúi đầu.

Tất cả chắp tay cúi đầu, đoàn người phò mã tách khỏi đám quân giữ thuyền và Thân Thiệu Thái, lên ngựa ở bến nhằm hướng hoàng thành thẳng tiến.

Hãy luôn truy cập tên miền TruyenMoi.me để được chuyển hướng tới tên miền mới nhất kể cả khi bị chặn.