Qua cửa Thụy Chương, cả đoàn men theo dòng Ngọc Hà để xuôi xuống cập bến lên cầu đá dẫn vào hoàng thành Thăng Long theo cửa Quảng Phúc phía tây dự đại lễ. An Quốc công chúa bước lên đầu tiên, sau đó là Thái bảo, rồi đến Thiếu bảo Đào Xử Trung. Công chúa đã ăn vận chỉnh tề, đầu búi theo lối Ca Lăng Tần Già, đội quan vàng hình hoa sen, tóc tết vấn quanh đầu, khoác ngoài đối khâm trắng, mặc trong giao lĩnh trắng thêu thái long, chân đi hài thêu hoa. Bước theo phía sau công chúa là hai thanh niên trẻ trạc độ đôi mươi đều mặc viên lĩnh đầu cuốn khắn màu tía như Thái bảo với Thiếu bảo. Hai người mặt mũi khôi ngô, thân hình vạm vỡ lại giống nhau như đúc chính là hai con song sinh của Thái sư á vương với người vợ trước tên là Đào Lôi và Đào Điện, tuổi ngoài đôi mươi nhưng đã thân mang trọng trách, trấn thủ vùng cửa sông Bạch Đằng. Khi mấy người cùng đoàn tùy tùng đều đã lên bến rảo bước tiến về hoàng thành thì quan Thái bảo quay lại chỗ của công chúa với hai anh em Lôi Điện rồi nói:
- Hai cháu tháp tùng công chúa vào cung trước, ta với Thiếu bảo có việc cần bàn rồi sẽ đi theo sau.
Lôi Điện chắp tay gật đầu rồi cùng đám tùy tùng theo sau An Quốc công chúa tiến về cửa tây.
Quan Thiếu bảo theo bước Thái bảo dừng lại ở đầu cầu đá, xung quanh chỉ còn vài tâm phúc đứng hộ vệ. Thiếu bảo Đào Xử Trung trẻ hơn Thái bảo cũng phải gần chục tuổi nhưng mặt mũi đoan chính, mắt sáng tinh anh, thân hình cường tráng. Đoạn Đào Thái bảo đặt tay lên lưng Xử Trung, ghé sát đầu khẽ nói:
- Hôm nay đại lễ lại có việc lớn, dù việc xảy ra thế nào ta cũng muốn em ngay sau lễ phải gấp rút về Vân Đồn lo việc. Tình hình xây dựng đại cảng, đóng tàu hay thương mại dưới đó trông vào một tay Xử Trung cả. Không có người tin cậy ở đó, ta lo sẽ có biến, mà có biến ở Vân Đồn không xử lý được kịp thời thì khác gì bồi một nhát dao vào tim Đào tộc. Ta với Văn Lỗi chắc vẫn phải lưu ở kinh ít hôm, sau đó ta sẽ qua Vĩnh An rồi mới lại về Vân Đồn.
Thiếu phó khẽ gật đầu cúi xuống:
- Em xin tuân mệnh anh trưởng, bản thân rời châu lên kinh thời điểm này em cũng cảm thấy không yên tâm. Nào đám thủ lĩnh khê động, đám cự phú thương gia, đám thương nhân ngoại quốc rồi cả đám thuyền bè Trần gia đều là những kẻ óc đầy mưu lược, công việc giao cho đám trẻ sợ lại quá tầm kiểm soát. Sau lễ em xin tức tốc lên đường.
Thái phó Đào Thạc Phụ nhìn thẳng vào mắt Xử Trung và nói:
- Có Thiếu bảo ở đó ta rất an lòng, nhọc công cho em quá. Mong em bền gan yên chí chờ đến khi thực hiện được di nguyện của các bậc tiền nhân, xây dựng được Bạc dịch trường trên biển đảo ở Vân Đồn rồi chuyển đại cảng từ Trường Yên và Diễn Châu lên thì cả vùng biển từ Hải Đông, Vân Đồn, Vĩnh An sẽ trở thành khu liên hoàn cảng nối với Khâm, Liêm, Quảng và khống chế cả vùng Đông Hải. Hàng hóa hay tàu bè đều phải ghé vai nhờ cậy Đại Cồ Việt. Thế và lực của nước ta khi đó khác nào trở thành Đại Đường của phương Nam, Thăng Long sẽ như là Trường An trên biển, dẫu có là Đại Tống ngay sát cạnh, hay Thiên Trúc, Đại Thực tít xa xôi thì cũng phải vị nể ta thêm đôi phần. Cùng với đó thì Đào tộc sẽ có một vị trí vững chắc hơn nữa trong cục diện của quốc gia, sẽ trở thành thế gia trong các thế gia, cự tộc của các cự tộc, không phụ sự mong mỏi, bồi đắp của Thánh thượng và Thái sư á vương.
- Vâng, anh trưởng, dẫu gan óc lầy đất em cũng xin được góp sức vào đại nghiệp của các bậc tiền nhân, của Đại Cồ Việt. Thiếu bảo chắp tay cúi đầu buông một tiếng kiên nghị.
Vân Đồn là vùng hải đảo ở bờ biển Đông Hải, phía đông bắc Đại Cồ Việt, bao gồm hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ. Vốn là vùng đất quan yếu lại nằm ở cửa ngõ giao thông nên từ thời vua Lê Đại Hành nhà Lê đã có đặt đồn Vân ở chân núi Vân để trấn giữ vùng biển phía đông bắc này. Vân Đồn có ba đảo lớn hình dài, hướng tây bắc đông nam, nằm ngoài rìa nhóm các đảo nhỏ phía trong và cách phủ Hải Đông một dải nước. Phía nam ba đảo ấy lại có một đảo nhỏ ngăn thành lối vào gọi là cửa Vân Đồn. Với địa thế có hàng trăm hòn đảo như những ngọn núi nhô lên từ giữa biển, Vân Đồn vừa rất tiện cho việc bố trí quân phòng thủ khi có giặc lại vừa thuận lợi cho việc tàu bè tới neo đậu giao thương.
Những ngọn núi và hàng trăm hòn đảo vừa là những tấm bình phong che chắn rất tốt cho các cảng khi có bão, lại vừa là một mê cung hiểm trở để phục kích kẻ địch khi có c·hiến t·ranh. Đắc địa như thế khiến người ngoại quốc đến đảo không thể nào thám thính quân tình nước ta một cách dễ dàng nhưng giao thương buôn bán thì lại vô cùng thuận tiện. Các vịnh để xây cảng lớn hơn rất nhiều, sâu hơn rất nhiều và đón được những con tàu lớn nhất trên biển lúc bấy giờ. So với các cảng cũ như Trường Yên, Ái Châu, Diễn Châu thì vượt trội hơn hẳn mà bể thì lặng, nước thì sâu, thông thương với Khâm, Liêm, Quảng hay các cảng ở miền đông nam đều vô cùng dễ dàng.
Nhà Lý tiếp nối nhà Lê đã lập một kế hoạch biến Vân Đồn thành một Bạc dịch trường lớn nhất của Đại Cồ Việt với một hệ thống các bến, các cảng khổng lồ để chuyển đại cảng quốc gia từ Diễn Châu lên nhằm thông thương với người ngoại quốc và đón được những con tàu lớn nhất, mạnh nhất của những người bạn từ phương xa. Kế hoạch này được hoàng gia cùng họ Đào, họ Trần, họ Lê, những dòng tộc mạnh nhất về đóng thuyền và thương mại biển và họ Lưu, họ Ngô, cự tộc về quy hoạch công trình cùng đảm trách. Từ ngày nhà Lê đóng quân bảo vệ trị an, người ngoại quốc đã đến Vân Đồn rất nhiều. Đến khi nhà Lý đặt kế hoạch tham vọng này, Bạc dịch trường chưa hoàn thiện hết tàu thuyền ngoại quốc đã ra vào như mắc cửi. Giấy tờ quan biên quản lý ghi chép về thấy thuyền từ phương bắc như các nước Đại Tống, Cao Ly, Phù Tang cũng có, thuyền từ các nước ngoài khơi Đông Hải như Bột Nê (Brunei) Trảo Oa (Java) Tam Phật Tề (Malay) Sách Mã Tích (Temasik) cũng có luôn, thuyền từ Chiêm Thành, Lộ Lạc (Thái) Cao Miên (Khmer) Bồ Cam (Myanmar) cũng qua lại, rồi thuyền từ Thiên Trúc, Ba Tư. Nhưng những thuyền buôn to lớn nhất và giàu mạnh nhất phải kể tới những thuyền buôn từ xứ Đại Thực, thuyền của những thương nhân rất xa ở phía Tây mà họ tự gọi mình là người Ả rập.
Nói đến Đại Thực và thương mại thì nhất định phải nói về con đường tơ lụa. Đó là con đường buôn bán huyền thoại đã nổi tiếng cả ngàn năm kết nối giữa phương đông và phương tây để vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng tơ lụa, một thời chỉ có ở Trung Hoa. Con đường huyết mạch nối Trung Hoa với các nước phía tây thông qua hành lang Hà Tây với phương tiện chính là lạc đà và điểm tập kết ở Trường An, không chỉ trở thành con đường giao thương mà còn là con đường giao lưu văn hóa giữa phương đông và phương tây nữa. Nhà Hán là triều đại đầu tiên của Trung Hoa khai phá con đường này dưới thời vua Hán Võ Đế và khiến Trường An khi đó trở thành yết hầu phân phối sự phồn vinh cho cả Trung Nguyên.
Sau này nhà Hán suy vong, con đường dần rơi vào quên lãng cho đến thời nhà Tùy lại bắt đầu hồi sinh và sau đó nhà Đường phát triển lên đến đỉnh cao. Nhà Đường bằng binh lực của mình đã chinh phạt và mở rộng cương vực sang đến viễn tây tận bờ sông Đát La Tư (Talas) và đã mang lại cho Trường An và cả Trung Nguyên một sự thịnh vượng chưa từng có trong lịch sử. Nhà Đường nhận thức rất rõ về lợi ích của con đường tơ lụa nên đã cố gắng chiếm hữu độc quyền con đường bằng c·hiến t·ranh và họ cũng phần nào hiện thực hóa được tham vọng đó cho đến khi phải chạm trán với người Đại Thực tại bờ sông Đát La Tư (Talas).
Hắc Y Đại Thực là cái tên mà người Trung Hoa dùng để chỉ những người Hồi giáo Ả rập. Đối với người Hán, những người theo đạo Hồi hay mặc áo đen, cầm cờ đen của nhà Đại Thực là những kẻ đã chống lại thiên ý và đánh tan mười vạn đại quân nhà Đường khiến cho tham vọng tây tiến của Đại Đường phải dừng lại ở sông Đát La Tư và thế là họ dùng cái tên Hắc Y Đại Thực để chỉ về sắc dân đó. Tuy nhiên nhà Đại Thực với tên chính xác là nhà Abbas vốn chỉ là một thực thể rất lớn trong một cộng đồng Hồi giáo Ả rập còn lớn hơn thế. Sau trận Đát La Tư, mười vạn liên quân của Đại Đường thì chỉ còn hai vạn có thể trở về, nhà Abbas bắt sống được khoảng một vạn tù binh và đám tù binh này đóng góp quan trọng cho việc phổ biến công nghệ làm giấy giá rẻ và những công nhệ khác của Trung Hoa cho nhà Abbas.
Có giấy được sản xuất với số lượng khổng lồ với giá rẻ và cùng với những triều vua vô cùng anh minh sáng suốt, nhà Abbas nhanh chóng thúc đẩy việc giáo dục, đẩy mạnh in ấn để phổ biến tri thức và sớm trở thành một thế lực rất lớn ở phía tây làm đối trọng với Đại Đường phía đông. Kinh đô của họ đặt ở thành Baghdad, thành phố mà theo tiếng Phạn nghĩa là Quà tặng của Thiên Chúa. Họ xây Ngôi nhà của sự thông thái để những học giả có trí tuệ từ mọi nơi, không phân biệt xuất xứ từ Ả Rập, Ba Tư hay Thiên Trúc, không phân biệt tôn giáo đạo Hồi, đạo Phật, hay đạo Thiên Chúa đến để sinh sống, học tập, nghiên cứu và phát minh. Và nhờ vậy, Baghdad trở thành trung tâm của tri thức và phồn vinh, xứng đáng là một trong những kinh đô huy hoành nhất từ tây sang đông. Sau này, họ cũng sai sứ sang thiết lập quan hệ với Đại Đường và thậm chí còn gửi bốn ngàn quân sang giúp Đại Đường dẹp loạn An Sử. Bốn ngàn quân này sau đó cũng ở lại định cư tại Trung Nguyên luôn và vị thế vẫn luôn được coi trọng.
Thế rồi nhà Đường cũng sụp đổ, con đường tơ lụa đó lại bị chia cắt ra nhiều mảnh, bị kiểm soát bởi nhiều thế lực cát cứ. Trường An lại một lần nữa chỉ còn là một khu vực hoang tàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự đ·ốt p·há của những thế lực du mục phía tây và bắc Trung Nguyên. Con đường tơ lụa cũ giờ đã trở nên không còn an toàn và thiết thực nữa. Nhà Abbas cũng không còn là thế lực mạnh như xưa nhưng những người Hồi giáo Ả Rập với nền tảng tri thức của mình đã tìm ra một phương án khác để kết nối giao thông đông tây, đó là đường biển. Họ đã phát minh ra loại thuyền buồm vô cùng to lớn và chắc chắn, cùng với những kiến thức rất uyên bác về thiên văn, thủy văn và khí hậu đã khiến họ tạo nên những thương đoàn cự phách ở trên biển trong gió mùa và con đường tơ lụa trên biển hay con đường gốm sứ được ra đời như thế.
Con đường tơ lụa trên biển này còn khiến chi phí đi lại rẻ hơn, hàng hóa mang được nhiều hơn và thuận tiện hơn. Những thương đoàn đi vòng xuống đường biển phía nam Ả Rập, qua biển Thiên Trúc, biển Bồ Cam, Xiêm La, Tam Phật Tề, Trảo Oa, Chiêm Thành, Đại Cồ Việt rồi vào Trung Hoa và mặt hàng chủ đạo cũng không chỉ còn là tơ lụa nữa mà còn thêm gốm sứ, hương liệu và rất nhiều mặt hàng khác. Và trong các cảng để làm trạm nghỉ ở các nước đó, thì Vân Đồn được coi là cảng có tiềm năng lớn nhất và phù hợp nhất cho những chuyến hải trình. Những vị đại sư Đại Cồ Việt vốn đi nhiều hiểu rộng, đi từ Sơn Đông Trung Thổ đi tới Thiên Trúc Thổ Phồn, lại làu thông kinh sử bắc nam nên đã sớm cùng các bậc đại trí, đại tài nước nam chuẩn bị sẵn cho công cuộc chuyển đổi vĩ đại này, có lẽ âu cũng là ý trời xui khiến. Và nhà họ Đào được hoàng gia Đại Cồ Việt cùng các bậc thông thái nước Nam đặt trọn niềm tin.
Lại nói về Đào thái bảo, khi cùng thiếu bảo Đào Xử Trung tiến tới cổng thành, Thái bảo quay lại nhìn em và nói:
- Em cùng đám tùy tùng vào thành trước, vẫn chưa tới lễ đâu, có khi ta phải sang thành đông có chút chuyện đã.
Xử Trung vừa lắc đầu vừa nói:
- Lại đến Vương Lâu sao anh trưởng, lần nào hồi kinh anh cũng đều qua Vương Lâu. Anh thật kiên nhẫn, sao lại cứ phải khổ thế, rồi lại mang tiếng ra.
Thái bảo hít một hơi thật sâu rồi thở dài và nói:
- Làm cha làm chú thấy người nhà sai đường có thể nhắm mắt làm ngơ sao, ta nhất định phải thuyết phục được nó hồi tâm chuyển ý. Thôi em vào thành trước đi, lát ta sẽ vào sau bằng cửa phía đông, ta đi luôn cho kịp, nếu đưa được nó về dự tang Thiên tử thì là tốt nhất.
Thiếu bảo lại nhẹ lắc đầu rồi cũng thở dài một tiếng, xong đoạn rải bước tới chân cổng thành nói với một viên lính canh cổng:
- Dắt ngựa đến cho quan Thái bảo.
Mặt trong thành vốn là nơi quan viên buộc ngựa để đi bộ nhập thành, tên lính y lệnh chạy vào mặt trong thành dắt ra một con ngựa. Thái bảo lên ngựa, quay lại nhìn Xử Trung khẽ mỉm cười gật đầu cảm kích rồi kéo cương phi luôn. Đám tùy tùng nhà họ Đào cùng với Xử Trung nhìn bóng Thái bảo đi khuất rồi cũng kéo nhau một lượt vào thành.