Kim Mã là con phố nằm giữa hai trại Kim Mã và trại Giảng Võ. Phố nối từ cửa tây hoàng thành tới cửa Tây Dương phía tây kinh khành. Con đường còn được làm kéo dài từ ngoài cửa Tây Dương tới tận phủ Sơn Tây để có thể đi xuyên suốt bằng ngựa thẳng một mạch từ cổng thành đến cổng phủ. Cửa bắc của Giảng Võ trường, thao trường cao cấp nhất của Đại Cồ Việt nằm ở giữa con phố Kim Mã này.
Một vị tướng trẻ dẫn đầu một đoàn người ngựa tầm hai chục người lọc cọc từng bước kiệu trên con đường lớn dọc theo bức tường cao dẫn đến cửa trên của Giảng Võ trường. Vị tướng hông đeo gươm, mặc trên người bộ Minh Quang khải giáp dát vàng sáng loáng, bên trong mặc áo lụa màu bạch kim. Trong trời tối đen, ánh kim quang phản chiếu cả đèn lồng phố, cả ánh đuốc của mấy tướng tùy tùng lại càng thêm chói lóa. Vị tướng trẻ mặt mũi cũng thật tuấn tú, mũi cao, mắt sáng, miệng rộng, đầu vấn khăn màu bạch kim chứ không đội khôi, cưỡi trên con tuấn mã màu trắng muốt, áo choàng trắng tung bay trong gió. Theo sau là hai chục vị tiểu tướng cũng đeo gươm mặc khải giáp lụa đen, đội khôi giống nhau. Bốn người đi trên cùng mỗi người đều cầm một bó đuốc, một trong bốn người cầm bó đuốc chính là tiểu tướng Đỗ Phương, người trước đó đã chạm mặt đoàn người của Bát lang.
Vị tướng trẻ đi đầu mặc một bộ giáp được đo ni đóng giày và chế tác riêng, khác biệt hẳn so với những người khác. Giáp dát vàng và ở kiên thủ trên đôi vai, có hai đầu rồng Ma Kiệt Thần Long nhô ra nhe nanh há miệng. Cách trang trí trên giáp đã thể hiện vị tướng trẻ có cũng có gốc gác hoàng gia.
Đoàn người ngựa dừng lại ở cổng chính. Trước cổng cũng có bốn người mặc giáp canh sẵn. Cả bốn người gác khi thấy đoàn người ngựa đều cháp tay vái người tướng trẻ đi đầu rồi một người lên dắt ngựa, hai người đẩy cánh cửa cổng, một người dang tay mời vị tướng trẻ cùng đoàn tùy tùng xuống ngựa vào trong.
Vị tướng xoay chân nhảy xuống khỏi ngựa, đưa dây cương cho người đứng dắt rồi tiến vào trong cánh cổng. Phía trong Giảng Võ trường là một không gian rất rộng lớn đúng với quy mô thao trường cao cấp nhất kinh thành. Ở giữa quảng trường còn có cả một hồ lớn với đày kín những hàng thuyền tập đang neo đậu bên bờ. Quanh hồ và trong quảng trường là từng tốp lính giáp trụ đầy đủ đứng thẳng hàng thẳng lối với nhau cứ năm mươi người một và phải lên đến mấy mươi tốp lính như vậy. Vị tướng trẻ đi vào con đường chính giữa tạo bởi những tốp lính, đi thẳng đến đại điện của chỉ huy phía trong cùng.
Trước cửa đại điện có bóng một vị tướng khác đang ngồi cho chó ăn ngay trước bậc tam cấp. Vị tướng ở độ trung niên, cũng mặc khải giáp dát vàng, áo lụa đen, áo choàng đen, kiên thủ trên vai cũng có đầu rồng, tóc để xõa sợi đen sợi bạc, đội một chiếc khôi dát vàng cũng chế tác riêng. Chiếc khôi không có đầu mâu, chỉ có mặt nạ, giữa trán diện giáp cũng có một đầu rồng vươn ra uy mãnh, thể hiện rõ đây cũng là một vương gia có vai vế trong hoàng tộc.
Đứng dưới bên trái cũng lại có một vị tướng khác chạc cỡ tuổi vị tướng kia yên lặng theo hầu. Người này cũng tuổi trung niên với mái tóc điểm bạc, đầu vấn khăn the hoàng kim, đôi mắt đen sâu trên gương mặt râu ria cắt tỉa ngăn ngắn, giáp trụ thần long đầy đủ, cắp kiếm bên hông, cũng là một vị một vương gia.
Mái đầu điểm bạc và những dấu chân chim lộ rõ cũng không cũng không thể che mờ vẻ khôi ngô tuấn tú của cả hai vương. Từ ánh mắt, cử chỉ, lời nói đều toát lên một khí độ, thần thái vương giả.
Con chó của chủ tướng đang ngồi hình dáng cũng vô cùng kỳ lạ, lực lưỡng dũng mãnh như chó sói, lông toàn thân thì một màu đỏ nâu rực rỡ. Chú chó mõm thì ngắn, mắt thì đỏ như màu lông, tai hình tam giác dựng đứng còn đuôi thì cụt lủn. Trông nó uy vũ lạ thường, không giống bất kỳ loài chó nào ở Đại Cồ Việt. Nó yên lặng không sủa một tiếng, chờ theo những miếng thịt tươi được gắp từ chiếc mâm đồng của người chủ tướng để ăn.
Vị tướng trẻ vội tiến đến gần hai người ở bậc tam cấp, đoạn chấp tay cúi đầu lên tiếng:
- Tham kiến hai vị hoàng thúc.
Đám tùy tướng theo sau cũng đồng loạt chắp tay cúi đầu, vị tướng đứng bên cũng nhìn ra mỉm cười gật đầu một cái. Vị tướng cho chó ăn còn không thèm nhìn ra, vẫn tỉ mẩn bón cho chó ăn rồi buông một tiếng:
- Vương gia đã về đến rồi, mọi việc ở châu Văn vẫn ổn cả đó chứ?
Vị tướng trẻ đáp:
- Thưa Hoàng thúc, nhận được cấp báo, cháu cùng các binh tướng đều cắt cử người ở lại rồi tức tốc hồi kinh, bọn phỉ biên viễn cũng may phúc tạm được ngơi nghỉ, nhưng chúng nó cáo chung đến nơi rồi, hoàng thúc yên tâm.
Vị tướng ngồi nhoẻn một nụ cười khẩy nói:
- Ba cái đám thổ phỉ ấy thì có gì để lão già này không yên tâm chứ, chẳng cáo chung thì sao. Quân của Khai Thiên Vương Thái tử thì thế nào?
Vị tướng trẻ đáp :
- Đông cung Thái tử lĩnh chức Đại nguyên soái nắm đại quân đánh châu Thất Nguyên xứ Lạng, lại được sự giúp sức của cha con Thân Thời Quý, thế đánh như chẻ tre, không thể chống nổi, quân phỉ nơi đó cũng gần như tan tác. Thân Thời Quý còn đuổi đánh sang tận Như Hồng, đốt trại chém tướng, uy mãnh vô cùng. Có khi Thái tử cũng đã nhận được tin báo, chắc cũng sắp về đến kinh thành.
- Cha con Thân Thời Quý uy mãnh thế cơ à? Vị chủ tướng nhướn mày hỏi.
Vị tướng trẻ đáp:
- Thực là uy mãnh vô song, chẳng những bọn phỉ mà cả người Tống hay đám thương buôn quanh vùng đều biết cái uy vũ của cha con Thiên Thần áo chàm với đám Quỷ Thần xứ Lạng.
Vị chủ tướng lại cười khẩy nói:
- Nhớ năm xưa khi ta đánh Đại Lý Đoàn thị, trước khi gặp bản vương chúng cũng được bọn dân đen truyền tụng ghê lắm, nào là Nam Chiếu binh điển, nào là thần chỉ thần kiếm. Thế mà được vài trận bỏ cả ngựa, bỏ cả xe mà cuốn gói, toàn một lũ ăn hại. Sớm thôi, bản vương sẽ thỉnh giáo cái uy vũ của cha con Phò mã áo chàm, sớm thôi.
Vị tướng trẻ mỉm cười đáp:
- Gầm trời nước Nam này làm gì có ai dám so sánh uy vũ với Dực Thánh Vương tiếng tăm lừng lẫy chứ. Thứ hoàng thúc muốn tranh, tuyệt nhiên không ai dám trái, một phò mã chứ mười phò mã thì kết cục cũng như nhau thôi.
Lại cười khẩy, vị chủ tướng xoa tay lên đầu chú chó của mình rồi nói:
- Thiên Hạ, Thiên Hạ ơi, ăn cho no nê đi, hôm nay nhà ngươi mới là tướng soái, tất cả bọn ta hôm nay đều một dạ chờ đợi lệnh của khuyển đại tướng quân.
Vị tướng trẻ trông thấy chú chó hiếu kỳ tiến lại gần hỏi:
- Con thượng khuyển này trông thật lạ, cháu chưa thấy con chó nào như nó ở nước Nam, hoàng thúc có thể cho phép cháu thử cho nó ăn được không. Nhìn thân thể, ánh mắt, động tác của nó là biết là chó cực phẩm rồi?
Vị chủ tướng nhướn mày:
- Vương gia thử xem.
Người tướng trẻ tiến tới gần, cầm lấy cái kẹp bằng vàng gắp một miếng thịt tươi đưa lên miệng con chó. Kỳ lạ thay, con chó quay đi chỗ khác, không ăn, cũng không tỏ vẻ đợi chờ miếng thịt như khi được chủ tướng bón. Vị tướng lại đưa miếng thịt quay sang chỗ con chó quay đầu, nó lại quay đi. Vị tướng trẻ quay sang nhìn chủ tướng, nhíu mày hỏi:
- Sao vậy hoàng thúc nhỉ, nó ăn no rồi chăng?
Vị chủ tướng ngửa mặt lên cười ha hả rồi nói:
- Không, kể cả đói nó cũng chẳng ăn đồ của người khác đưa đâu.
Người tướng trẻ hiếu kỳ lại hỏi:
- Con này là loài chó gì sao lại lạ thế ạ, đời thủa chó lại chê đồ ăn, lạ thật?
Chủ tướng cười đáp:
- Haha, nó không phải chó thường đâu. Con này là một loài sói lai, vốn dĩ sẽ không có cặp thứ hai ở Thăng Long đâu.
Vị tướng trẻ lại càng sốt sắng buông một tiếng:
- Thế ạ?
Vị chủ tướng đưa tay vừa vuốt vuốt sau gáy con chó vừa chậm rãi nói:
- Con chó này là loài chó Mông Cộc, là loài chó của sắc dân man tộc H'mong trong lãnh thổ của Đại Tống. Năm xưa vì bị nhà Tống đuổi cùng diệt tận để thu lại đất đai, sắc dân H'mong này đã lưu lạc khắp nơi, lên Đại Lý, vào Tứ Xuyên, sang Lưỡng Quảng, lầm lũi ẩn náu để sinh tồn. Ngày ta đi đánh quân Đại Lý ở Bình Nguyên mười bốn năm trước, có tha c·hết cho một tiểu binh Đại Lý, rồi lưu lại để dẫn đường và thăm dò tin tức. Thì ra hắn lại là người H'mong, bị ép theo quân Đại Lý sang đánh Đại Cồ Việt. Cảm khái, lại biết ta vốn nhà binh, thích nuôi chó ngựa, hắn tặng ta một đôi chó mới sinh và ghi lại cách nuôi, cách dạy và cả cách dùng nó nữa. Ta nuôi hai con từ bấy đến giờ, đặt tên là Thiên Hạ và Giang Sơn. Hôm nay cho Thiên Hạ đại nhân xuất chinh chắc nốt lần cuối thì về hưu. Loài này là loài thượng khuyển, mắt mũi tinh, tai miệng thính, lại trung thành, thông minh. Con này nó không ăn bất cứ thứ gì mà không phải của chủ bón cho, mà bản tính lại kiên nhẫn, không bảo thì không sủa, linh mẫn vô cùng, thật là rất quý. Sau này gã tiểu binh còn dẫn cả gia quyến và những người trong tộc với một đàn chó sang tỵ nạn. Ta cũng thu xếp cho họ một góc ở vùng cận biên giới làm kế sinh nhai.
Vị tướng trẻ thốt lên:
- Hoàng thúc đã là Khuyển Mã Thần Vương của Đại Cồ Việt, nhiều ngựa nhiều chó nhất nước Nam, lại có thêm loài chó nhà trời này theo hầu, quả là ý trời muốn trao việc lớn vào tay hoàng thúc đây mà.
Vị chủ tướng ngước mặt lên trời cười ha hả:
- Khuyển mã là chưa đủ, là chưa đủ, ta tham lam lắm, muốn nhiều hơn nữa cơ. Ông trời cho đến đâu thì cứ nhận đến đấy, ngại mà làm gì?
Vị chủ tướng ngồi trên bậc tam cấp đó chính là Dực Thánh Vương, chiến thần bất bại uy danh lẫy lừng của Đại Cồ Việt, là hoàng đệ của đương kim Thiên tử, dưới một người trên vạn người. Vị tướng thống lĩnh đội quân Thánh Dực từng là nòng cốt của đại quân đánh tan hai mươi vạn quân xâm lăng của Đại Lý Đoàn thị, tiếng tăm vang dội khắp bốn phương. Vị tướng vấn khăn mặc giáp đứng hầu bên cạnh là Vũ Đức Vương cũng là một vị hoàng thúc, là túi khôn trong trướng của quân Thánh Dực, cũng đã từng theo Dực Thánh Vương bao năm chinh chiến xa trường. Còn viên tướng trẻ thì là hoàng tử thứ ba của hoàng đế, tên Lý Lực, được phong tước Đông Chinh Vương, giữ chức Phiêu Kỵ tướng quân. Từ sáu năm trước, các vị tướng già dần chuyền giao binh quyền lại cho những vị vương thế hệ sau và Đông Chinh Vương gần như kế thừa Thánh Dực quân và được một tay hai hoàng thúc dìu dắt.
Vũ Đức Vương quay sang Dực Thánh Vương hỏi:
- Vừa rồi hoàng huynh có nói cả đại quân đều nghe theo hiệu lệnh của Thiên Hạ, thế nghĩa là sao, chúng ta ngồi đây chờ lệnh một con chó sao?
Dực Thánh Vương cười đáp:
- Đúng rồi, chờ nó sủa lên tiếng thứ hai đại quân sẽ kéo vào hoàng thành dự lễ.
Vũ Đức Vương lại hỏi:
- Chờ nó sủa? Từ lúc chúng ta tới đây đến giờ em còn chưa nghe thấy nó sủa tiếng nào.
Dực Thánh Vương đáp:
- Bởi vậy tiếng sủa của nó mới quan trọng, mới là hiệu lệnh xuất quân.
Vũ Đức Vương nói:
- Thực khó hiểu quá, chúng ta đã dày công chuẩn bị trận thế cho giây phút quan trọng này, mà tất cả lại phụ thuộc vào một con chó, khó hiểu quá hoàng huynh.
Dực Thánh Vương cười nói:
- Hoàng đệ chỉ khá ở khoản đọc sách thôi, còn về khoản chó ngựa này còn tù mù lắm, haha. À, thế còn việc của Khai Quốc Vương ở phủ Trường Yên thế nào?
Vũ Đức Vương đáp:
- Phủ Trường Yên quân đông thuyền nhiều. Em đã biên thư cho Khai Quốc Vương để ly gián. Nếu chúng ta giành được lợi thế thì sẽ gửi thư bố cáo để Khai Quốc Vương tới khi sự đã ngã ngũ, vì nếu quân Trường Yên đến ngay thì cả chúng ta cũng sẽ khó đối phó. Bằng như chúng ta gặp tình huống bất lợi, có thể tạm lui quân và gửi thư xin viện binh. Khi quân đã xuất, cả kinh thành với Trường Yên đều không thể tin nhau được nữa, như mũi tên đã bắn, chẳng thể thu hồi. Sau trận chiến chúng ta lại xuất hiện thu dọn tàn cục. Hoàng huynh yên tâm, Long Bồ rất tín nhiệm ta.
Dực Thánh Vương vừa gật đầu thì bỗng con Thiên Hạ ngoảnh đầu về phía đông sủa lớn một tiếng. Vũ Đức Vương với Đông Chinh Vương tròn mắt kinh ngạc, Dực Thánh Vương đứng lên hô lớn:
- Toàn quân chú ý, hậu quân thành tiền, tiền quân thành hậu, chuẩn bị xuất phát.
Các tướng đứng đầu các tốp lính vẫy cờ hiệu, giơ đuốc lên cao, đại quân mấy ngàn tinh binh giáp trụ đầy đủ trong Giảng Võ trường nghiêm lệnh đồng loạt xốc lại đội ngũ rồi quay ngược ra sau. Dực Thánh Vương đứng lên, gươm vẫn ở bên hông, tay với lấy một cây phác đao trước đó vẫn đặt bên thềm đại điện chỉ huy, đoạn tiến tới chỗ hai vương kia nói khẽ:
- Khi nãy ta đã nhờ Lý Phó con ta lén lấy một chiếc áo cũ của Đông cung Thái tử ở chỗ đám thái giám hầu hạ vẫn chưa giặt giũ, rồi cho con Thiên Hạ ngửi hơi. Tiếng sủa đầu là Đông cung đã về đến bến Hà Khẩu, tiếng sau là Thái tử đã vào hoàng thành, chúng ta chuẩn bị người ngựa đi là vừa.
Cả hai vị vương kia giờ mới vỡ lẽ, vẫn chưa hết kinh ngạc, nhăn mặt khâm phục mưu chước của Dực Thánh Vương. Đoạn Dực Thánh Vương đi trước, con Thiên Hạ bước bên cạnh, hai vị vương theo sau đi vào chính giữa đám quân tiến ra cửa bắc môn trên phố Kim Mã, vốn là nơi trại ngựa để chuẩn bị lên đường.